Tổ chức Nông lương thế giới, Mạng lưới cây ăn trái nhiệt đới quốc tế và bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Siêu trái cây: ảo tưởng hay thực tế?” (Superfruits – Myth or Truth?) tại TP.HCM. Hơn 100 đại biểu đến từ 18 quốc gia như: Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Philippines, Thái Lan, Việt Nam… đã cùng nhau đi tìm câu trả lời của chủ đề hội thảo.
Không để tên gọi đánh lừa người tiêu dùng “Siêu trái cây” là một khái niệm không mới trên thế giới nhưng còn gây tranh cãi trong cộng đồng các nhà khoa học và người tiêu dùng. Các loại trái cây được xếp vào nhóm này chủ yếu là loại quả mọng (berries) trồng ở vùng á nhiệt đới, ôn đới như dâu tây, lựu, việt quất, cherry… Hiện chưa có loại trái cây nhiệt đới nào được chính thức xếp vào danh sách siêu trái cây, mặc dù không ít nghiên cứu khoa học đã ghi nhận nhiều loại trái
cây nhiệt đới có những ưu điểm vượt trội.
Theo ông Yacob Ahmad, Mạng lưới cây ăn trái nhiệt đới quốc tế, với những thuộc tính của trái cây đã được xác định từ trước, siêu trái cây không phải là những trái cây có kích thước, khối lượng hay diện tích gieo trồng lớn.
“Siêu trái cây là những loại trái cây có chứa hàm lượng cao các chất có lợi cho sức khoẻ thể chất và tinh thần của con người, có khả năng chống oxy hoá, giúp trẻ hoá tế bào, giúp con người trẻ hơn, khoẻ hơn...", ông Yacob nói. Sau khi bổ sung một số thuộc tính mới về siêu trái cây, sẽ có một số loài trái cây nhiệt đới, trong đó có trái cây Việt Nam sẽ được xếp vào danh sách siêu trái cây.
“Để tên gọi không đánh lừa người tiêu dùng, các sản phẩm gắn mác “siêu trái cây” phải được nhà sản xuất công bố minh bạch, có căn cứ khoa học” Nhiều chuyên gia tham dự hội nghị cho rằng để tên gọi không đánh lừa người tiêu dùng, các sản phẩm gắn mác “siêu trái cây” (trái cây tươi, chế biến toàn phần hay một bộ phận trái cây) phải được nhà sản xuất công bố minh bạch, có căn cứ khoa học. Trong quá trình sản xuất trái cây và công bố ra thị trường, phải có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, từ chiến lược phát triển (quy hoạch); áp dụng khoa học kỹ thuật (trồng trái cây nào, trên đất nào, quy trình canh tác...); kỹ thuật thu hái, bảo quản, cho đến phân tích đánh giá một cách khách quan, khoa học chất lượng của từng loại trái cây.
Nhiều trái cây Việt Nam là “ứng cử viên” Trao đổi với báo chí, TS Bùi Quang Đãng, trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế của viện Nghiên cứu rau quả cho biết trái cây Việt Nam rất đa dạng, nhiều loại trong số đó có thể được xếp vào diện siêu trái cây. Tuy nhiên để biết được những loại nào là siêu trái cây thì viện này và các nhà khoa học của Mạng lưới cây ăn trái nhiệt đới quốc tế phải bàn thảo để thống nhất. Nhiều khả năng các loại trái cây dân dã như: bưởi, nhãn, chuối... của Việt Nam sẽ được xếp vào diện siêu trái cây. “Đặc biệt là bưởi da xanh của đồng bằng sông Cửu Long. Loại trái cây này không chỉ được người tiêu dùng trong nước mà cả ở ngoài nước cũng ưa chuộng bởi hương vị thơm, ngon, hàm lượng dinh dưỡng, các loại vitamin khá cao, rất tốt cho sức khoẻ”, ông Đãng nói.
Cũng theo ông Đãng, hiện ở các nước phát triển, mức tiêu thụ trái cây ngày càng tăng, nhất là siêu trái cây. Xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam trong tương lai gần cũng sẽ như vậy, bởi khi xã hội phát triển, đời sống kinh tế tốt hơn, tri thức mở mang, người dân hiểu biết nhiều về dinh dưỡng và sức khoẻ thì sẽ có xu hướng ưu tiên lựa chọn những loại thực phẩm có tác dụng tốt cho sức khoẻ, trong đó có trái cây. “Khi một số loại trái cây của Việt Nam được đưa vào diện siêu trái cây thì chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho nhà vườn, đặc biệt là cho những hộ trồng cây ăn trái, từ đó giúp gia tăng giá trị kinh tế cho trái cây Việt Nam”, ông Đãng nhận định.