SpStinet - vwpChiTiet

 

Hai tàu ngầm Kilo sẽ về Việt Nam qua ngả châu Phi

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia quân sự nước này cho biết hai tàu ngầm đầu tiên mà Nga đóng cho Việt Nam, mang tên tàu ngầm "Hà Nội" và "Thành phố Hồ Chí Minh", sẽ có chuyến hành trình tự bơi về Việt Nam qua ngả châu Phi.


Tàu ngầm lớp Kilo nổi tiếng vì sự... "vô hình" - Ảnh: Defense.gov

Theo kế hoạch, tháng 9 tới, nhà máy Admiralty Verfi sẽ bàn giao cho bên đặt hàng hai tàu ngầm đầu tiên, và đến cuối năm cả chiếc thứ ba cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm.

Những chiếc tàu ngầm này nằm trong hợp đồng cung cấp sáu tàu ngầm lớp Kilo được ký kết trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2009. Bên cạnh việc đóng tàu, hợp đồng còn bao gồm cả việc huấn luyện thủy thủ Việt Nam và cung cấp các thiết bị, vật tư kỹ thuật cần thiết.

Hai tàu "Hà Nội" và "Thành phố Hồ Chí Minh" đã trải qua các đợt thử nghiệm nhà máy và thử nghiệm cấp Nhà nước một cách xuất sắc, thực hiện thành công nhiều chuyến lặn sâu. Khóa huấn luyện thủy thủ đoàn Việt Nam sẽ được bắt đầu vào cuối tháng 7 tại Saint-Peterburg.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài Tiếng nói nước Nga về việc tàu ngầm từ Nga sẽ được chuyển đến Việt Nam bằng cách nào, ông Victor Litovkin, chuyên viên quân sự Nga trả lời: “Bằng cách cho tàu bơi sang Việt Nam, tại sao lại không chứ? Những chiếc tàu ngầm này đủ sức làm được điều đó, đã vượt qua các kỳ kiểm tra nghiêm túc và đến thời điểm sẵn sàng thì sẽ có cả thủy thủ đoàn Việt Nam đã được đào tạo thành thục. Tàu có thể đi qua kênh đào Suez, và vòng quanh châu Phi”.

Những chiếc tàu ngầm này được đóng tại "Nhà máy đóng tàu Admiralty" ở Saint-Peterburg. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Nga, Hải quân Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm Việt Nam tại Khánh Hòa.

Giải thích với phóng viên Đài Tiếng nói nước Nga, chuyên viên quân sự Viktor Litovkin cho biết: Ở Nga, những chiếc tầu ngầm có tên là Varshavyanka, còn danh tính quốc tế là Kilo.

Chuyên viên quân sự Nga phân tích: “Bất kỳ quốc gia nào có ranh giới giáp biển cũng cần có tàu ngầm để đảm bảo an toàn. Bởi dưới lòng nước có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ mà hạm đội nổi không giải quyết được".

Các tàu nổi dễ dàng lộ diện khi quan sát từ máy bay, từ khí cụ bay không người lái UAV hoặc từ vũ trụ. Còn tàu ngầm lặn ở độ sâu 50 mét thì các khí cụ theo dõi quang học hầu như không thể phát hiện thấy.
  
Varshavyanka (Kilo) là tàu ngầm thuộc loại tiên tiến nhất thế giới đương đại. Chiều dài con tàu là 74 mét, chiều rộng 10 mét. Mức lặn sâu: 300 mét. Tốc độ di chuyển dưới nước lên đến 37 km/giờ. Tàu ngầm có thể bơi tự động đến 45 ngày đêm.

Trong bộ trang bị của tàu ngầm có các tổ hợp tên lửa Club đủ khả năng phóng hỏa lực ở khoảng cách đến 300 km. Tính năng đặc biệt độc đáo của các tàu ngầm này là tiếng ồn cực thấp, gây khó khăn tối đa cho các phương tiện theo dõi thủy âm học của đối phương.

Không ngẫu nhiên mà các chuyên viên phương Tây đã gọi Varshavyanka là những "hố đen trong lòng đại dương".

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, công tác chính yếu của các xí nghiệp chế tạo vũ khí của Nga là thực hiện đơn đặt hàng dành cho quân đội và hải quân nước nhà, rồi sau đó mới đến lượt khách hàng nước ngoài.

Tuy vậy, với những chiếc tàu ngầm dành cho Việt Nam là trường hợp đặc biệt, khi mà đơn đặt hàng của nước ngoài được đưa lên hàng đầu trong kế hoạch thực hiện.

Nguồn: Vietnam+

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả