SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao: Nhiều dư địa phát triển

Ngày 8-7, tại TP.HCM đã diễn ra Diễn đàn Quốc tế về Phát triển công nghiệp hỗ trợ Công nghệ cao 2013 do Hội Tin Học TP HCM (HCA), Hiệp Hội DN Điện Tử Việt Nam (VEIA), Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TPHCM (HSIA) và Công ty TNHH ITO Việt Nam hợp tác đồng tổ chức.


Phát biểu tại diễn đàn, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HCA nhấn mạnh, nhiều năm qua công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao nước ta chủ yếu là lắp ráp, không tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho DN nội địa, các DN trong ngành cũng không được ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn … Tuy nhiên, thời gian gần đây Chính phủ và các Hiệp hội đã có những định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao thông qua các quyết định, chương trình cụ thể, các chính sách ưu đãi …

Những cố gắng trên của Chính phủ và Hiệp hội tạo đà cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại Việt Nam, hướng đến tăng tỉ lệ nội địa hóa các thiết bị hỗ trợ trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao bằng việc tự sản xuất các thiết bị này trong nước, hỗ trợ DN Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử và vi mạch tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh mới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TPHCM (HSIA) cho rằng, nhu cầu ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn TP.HCM đang tập trung xoay quanh những vấn đề như sau: Thứ nhất về nguồn nhân lực cho lĩnh vực thiết kế và chế tạo vi mạch bán dẫn. Thứ hai TP.HCM chủ trương xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn đáp ứng nhu cầu rất lớn cho các ngành công nghiệp hỗ trợ (khí và hóa chất, mặt nạ quang …).

Ngoài ra, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn trên thế giới và Việt Nam, đóng vai trò quyết định của tất cả các ngành công nghiệp khác như CNTT, viễn thông, cơ khí và tự động hóa… Các sản phẩm vi mạch ngày càng phong phú, bao gồm từ sản phẩm công nghiệp đến gia dụng như các thiết bị giải trí gia đình, máy quay phim (AV), máy tính, điện thoại cầm tay, đến các thiết bị cho cơ sở hạ tầng internet, thiết bị y tế, ô tô và các thiết bị điện tử …

Bà Nguyễn Thị Như Phương – Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết: “Từ năm 2005, ngành điện tử có kim ngạch XK đứng trong top 10 ngành hàng lớn nhất nước ta và đến năm 2012 XK được 20,5 tỉ USD. Sản phẩm XK chủ yếu là linh kiện điện máy, máy tính, máy in, điện thoại di động, chip… Mặc dù kim ngạch XK hàng điện tử của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực, nhưng mức XK tăng trưởng khá nhanh do thu hút được các dự án rất lớn từ vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đã được đánh giá là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư".

Theo bà Lê Thị Bích Loan – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), một vài nghiên cứu tham khảo từ SHTP cho thấy thời gian qua chúng ta vẫn chưa đẩy mạnh được ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Nguyên nhân cốt lõi thứ nhất là nằm ở chính sách thu hút đầu tư; thứ hai là công nghệ cho chất lượng sản phẩm cung ứng đồng nhất và đạt quy chuẩn; thứ ba là thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực chuyên nghiệp. Trong khi đó trong ngành công nghiệp hỗ trợ, các tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm là vô cùng quan trọng, bắt buộc các DN tham gia phải luôn cải tiến công nghệ phù hợp với nhu cầu sản xuất.

Còn ông Peter Opdahl – Chủ tịch Tập đoàn ITO với 25 năm kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ trên thế giới thì chia sẻ: “Việt Nam là nước đang phát triển rất nhanh và có định hướng trở thành nước phát triển mạnh về kỹ thuật và công nghệ, chúng tôi nhìn thấy ở đây rất nhiều cơ hội. Mục tiêu của ITO là giúp đỡ DN Việt Nam nhận thấy cốt lõi vấn đề của bước đi chuyển tiếp này”.

Theo ông Peter Opdahl, nhà máy không phải là nơi bắt đầu của sản phẩm công nghệ cao, nó chỉ là một điểm giữa trong toàn bộ chu trình để đưa sản phẩm đến khách hàng cuối cùng. Giống như các DN Việt Nam hiện nay, ITO bắt đầu từ DN nhỏ và gặp nhiều thách thức, khi nhìn thấy cơ hội để cung cấp dịch vụ và sản phẩm vào thị trường, ITO đã hợp tác với nhiều công ty lớn hơn và học ở họ về kiểm soát giá, chất lượng, nguồn sản phẩm và sự thành công trên toàn thế giới.

Điều quan trọng là nhân lực bản địa sẽ hỗ trợ nền công nghiệp địa phương, càng địa phương hóa càng tốt và giúp Việt Nam trở thành một nước có chuỗi cung ứng toàn diện các sản phẩm hỗ trợ công nghệ cao.

Nguồn: Hải Quan

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả