Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 3-6 đã đăng bài “Xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung (CNTT TT) - Không chỉ chọn đất, xây nhà, cho thuê”. Trước vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM Lê Thái Hỷ đã có những chia sẻ quanh chủ trương xây dựng khu CNTT TT từ góc nhìn thực tế của TPHCM...
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lê Thái Hỷ trong một triển lãm về CNTT tại TPHCM.
- PV: Thưa ông, TPHCM với Công viên Phần mềm (CVPM) Quang Trung (QTSC) đã được khẳng định là mô hình khu CNTT TT đầu tiên và thành công nhất trong cả nước. Vậy sau thành công của QTSC, được biết TPHCM đang có chủ trương xây dựng khu thứ 2, ông có thể cho biết thêm thông tin về QTSC thứ 2 này?
Ông LÊ THÁI HỶ: Đề án thành lập Khu QTSC 2 thuộc kế hoạch của UBND TPHCM thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX về hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể, cùng với việc khai thác có hiệu quả QTSC hiện hữu, việc thành lập Khu QTSC 2 sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, dịch vụ CNTT có gắn với nghiên cứu triển khai (R&D), đào tạo nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp (DN) nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT, nội dung số của thành phố. Qua đó góp phần phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu của kinh tế TPHCM. Hiện Sở TT-TT đang cùng Công ty TNHH MTV Phát triển CVPM Quang Trung xây dựng đề án, dự kiến trình UBND TPHCM trong quý 2 năm 2014. Khi được UBND TPHCM thông qua, Sở TT-TT sẽ thông tin chi tiết hơn về nội dung đề án này.
- Theo Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT TT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, cho thấy cả nước sẽ có 19 khu CNTT TT. Xin ông cho biết ý kiến về nội dung này trong dự thảo?
Trong tháng 4-2014, Bộ TT-TT có gửi văn bản lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành trung ương; có gửi cho một số địa phương (để biết). Sở TT-TT TPHCM không có thông tin về bản dự thảo cuối cùng gửi lấy ý kiến, vì vậy tôi chưa thể có nhận xét gì về bản dự thảo này. Cảm nhận ban đầu khi nghe thông tin về con số “19 khu CNTT TT” trong bản dự thảo là quá nhiều và khó khả thi.
- Có ý kiến cho rằng cần thẩm định kỹ các khu CNTT TT, tránh chuyện địa phương cố xin “ghi tên” vào quy hoạch để được đầu tư từ ngân sách… Ông cho biết ý kiến về vấn đề này.
Trước hết, tôi xin chia sẻ ý kiến riêng của mình về việc quy hoạch phát triển các khu CNTT TT. Theo tôi, để bản quy hoạch - thực chất là bản chiến lược phát triển dài hạn các khu CNTT TT có tính khả thi, chúng ta cần làm rõ những vấn đề sau đây: Thứ nhất, nên làm rõ định chế “Khu công nghệ cao” (CNC) - được quy định trong Luật CNC (năm 2008), Nghị định 99/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Khu CNTT TT và “Khu CNTT TT” được nêu trong Luật CNTT (năm 2006), Nghị định 154/2013/NĐ-CP. Có thể thấy, trong Khu CNC có thể thu hút các DN, tổ chức và các hoạt động của khu CNTT TT. Trong Khu CNC TPHCM hiện có các DN phần cứng như Intel, Datalogic, Sonion và các DN phần mềm, nội dung số (FPT software), thiết kế vi mạch (Microchip), dịch vụ phần cứng (GES). Hiện nay, cả nước đang tồn tại 3 khu CNC (Hòa Lạc, TPHCM và Đà Nẵng), theo tôi, còn dư đất rất lớn để thu hút các dự án công nghiệp “phần cứng”. Hay nói cách khác, từ nay đến năm 2025, không nên quy hoạch khu CNTT cho các lĩnh vực phần cứng, điện tử…
Thứ hai, nên tập trung nghiên cứu và quy hoạch một số khu CVPM tập trung, được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước (theo khoản 1 Điều 19, NĐ154) hoặc nguồn vốn nhà nước tại một số thành phố/tỉnh trực thuộc trung ương có điều kiện (thị trường, hạ tầng, nhân lực) và khả năng lan tỏa kết nối vùng. Ở đây, quy hoạch (chiến lược phát triển dài hạn) cần có quy định về khu CNTT TT (CVPM) trọng điểm quốc gia - khái niệm mới được nêu trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và khái niệm Chuỗi khu CVPM được UBND TPHCM đề xuất và đang tiến hành cùng với một số tỉnh (Lâm Đồng, Nam Định).
Thứ ba, đối với các khu CVPM được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách (khoản 2, Điều 19, NĐ154), trong chiến lược phát triển CNTT nên định hướng những lĩnh vực CNTT ưu tiên phát triển (ví dụ ứng dụng CNTT phục vụ nông nghiệp CNC…), các chính sách khuyến khích, sự hỗ trợ của nhà nước (trung ương và địa phương) để các thành phần kinh tế khác nhau tự khảo sát, đánh giá và quyết định đầu tư.
Thứ tư, có quy định (chính sách) phân bổ nguồn lực hợp lý để tập trung phát triển 3 khu CNC, các khu CVPM trọng điểm quốc gia, chuỗi CVPM để làm đòn bẩy thúc đẩy, lan tỏa, hỗ trợ chiến lược phát triển CNTT tại các địa phương khác trong cả nước.
- Cảm ơn ông!
Nguồn: SGGP