Bán sách “Việt Nam dưới góc nhìn VNREDSat-1” để ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu
21/05/2014
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Nhân dịp ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Viện HLKHCNVN, đồng thời thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước, đặc biệt là đối với Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu, Công đoàn Viện Hàn lâm đã phối hợp với Ban Quản lý dự án Vệ tinh nhỏ - Viện Công nghệ vũ trụ bán sách ảnh với tựa đề “Việt Nam dưới góc nhìn VNREDSat-1”. Sách được bán tại khu Trưng bày sản phẩm nhà A1 – Viện HLKHCNVN, số 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Toàn bộ số tiền bán được sẽ được chuyển vào quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”.
Chỉ với kích thước là 32 x 23cm và có 144 trang, Cuốn sách ảnh "Việt Nam dưới góc nhìn VNREDSat-1” đã chứa đựng bộ ảnh đẹp gồm 67 cảnh ảnh được chụp từ vệ tinh VNREDSat-1. Bộ ảnh được lựa chọn một cách công phu từ gần 10.000 cảnh ảnh, trải rộng khắp lãnh thổ Việt Nam, được trình bày một cách có hệ thống và khoa học.
Cuốn sách ảnh “Việt Nam dưới góc nhìn VNREDSat-1” là sản phẩm của tập thể cán bộ Trung tâm Điều khiển và Khai thác Vệ tinh nhỏ, được ra mắt trong dịp kỷ niệm một năm ngày phóng thành công VNREDSat-1, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam (5/2013-5/2014). Đây là một việc làm có nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ là minh chứng cho sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam trong việc vận hành và khai thác hiệu quả vệ tinh VNREDSat-1, mà còn cung cấp tới công chúng một “góc nhìn” mới, một "phương tiện" mới cho phép chúng ta có cơ hội ngắm nhìn giang sơn gấm vóc Việt Nam từ độ cao hơn 680 km.
Trong ngày đầu tiên bán sách (17/5/2014) đã có rất nhiều người tham quan khu Trưng bày mua ủng hộ, không chỉ có các nhà khoa học của Viện HLKHCNVN, khách tham quan khu Trưng bày triển lãm, mà còn có cả các em sinh viên, học sinh và trẻ nhỏ cũng nhiệt tình mua sách ủng hộ bằng những khoản tiền tiết kiệm được từ tiền ăn sáng, tiền mừng tuổi của các em. Đây là một làm hết sức ý nghĩa của tất cả mọi người, thể hiện một lòng chung tay góp sức cùng cả nước hướng về Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu.
Nguồn: Khoa học Phổ thông