Triển lãm Chỉ dẫn địa lý quốc tế
11/09/2014
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Sáng 9/9, Triển lãm Chỉ dẫn địa lý quốc tế 2014 đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai Sáng kiến về bảo hộ chỉ dẫn địa lý (thuộc Kế hoạch hành động về sở hữu trí tuệ ASEAN giai đoạn 2011-2015) do Việt Nam và Thái Lan chủ trì.
Triển lãm do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN, phối hợp với Dự án EU- ASEAN về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Dự án ECAP 3) tổ chức.
Nước chủ nhà Việt Nam chiếm đến hơn 60 trên tổng số 70 gian hàng tại triển lãm, trưng bày các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và du khách nước ngoài như nón lá Huế, chè Suối Giàng (Yên Bái), gạo một bụi đỏ Hồng Dân (Bạc Liêu), rau quả Orfarm (Đà Lạt), hoa phong lan Ysa Orchid (Đà Lạt)…
Các quốc gia ASEAN cũng mang đến những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu với người tiêu dùng Việt Nam như lụa Malaysia, tảo spurila Myanmar, hồ tiêu và dầu cọ Campuchia, thịt cừu đông lạnh Brunei…
Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trên thế giới có hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ với giá trị giao dịch thương mại ước đạt 50 tỷ USD. Là thông tin về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn truyền thống, nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm và qua đó góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Hiện nay, Việt Nam xếp thứ hai trong khối ASEAN, sau Thái Lan, với 38 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, trong đó có nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, bưởi Phúc Trạch, chè Tân Cương… Tuy nhiên, theo thứ trưởng Trần Văn Tùng, việc khai thác và nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm còn hạn chế do đầu tư chưa tới về dây chuyền công nghệ sản xuất và các hoạt động quảng bá...
Cũng đề cập những khó khăn trong vấn đề phát triển thương hiệu, ông Lê Quốc Hội, trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN Bạc Liêu, và là người phụ trách gian trưng bày sản phẩm của tỉnh Bạc Liêu tại triển lãm, cho biết, dù có nhiều ưu điểm nổi trội như không chát, không đắng nhưng muối Bạc Liêu vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Nguyên nhân chính là sản phẩm chưa đa dạng và dây chuyền công nghệ sản xuất vẫn chưa đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường…
Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 10-9.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng