Ngày 30/10, tại TP. HCM, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo hướng dẫn thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (Chiến lược) khu vực phía Nam.
Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/7/2013 đưa ra 3 mục tiêu, 5 nhiệm vụ, 6 giải pháp cụ thể cho các địa phương trên cả nước thực hiện. Theo đó, Việt Nam có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và phong phú gồm hệ sinh thái rừng, đồng cỏ, đất ngập nước nội địa, đụn cát, bãi triều, cửa sông, vùng biển sâu… Với tính đa dạng cao, đa dạng sinh học Việt Nam đã đóng góp giá trị quan trọng cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và y tế. Năm 2010, ngành nông nghiệp đóng góp trên 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chiếm 28% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do các áp lực đến đa dạng sinh học cũng như thách thức trong công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học.
Ông Phạm Anh Cường (Cục Bảo tồn đa dạng sinh học) giới thiệu Hướng dẫn thực hiện Chiến lược và Bộ chỉ thị đánh giá hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương. Ảnh: LV. Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu về bảo tồn đa dạng sinh học cần được chú trọng ở địa phương gồm bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý hiếm; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học; phối hợp với các cơ quan ở trung ương, bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại địa phương.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP. HCM, đa dạng về hệ sinh thái ở TP. HCM gồm hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước nội địa và hệ sinh thái ven biển. Trong đó, rừng Cần Giờ là 1 trong 5 khu Dự trữ sinh quyển quốc gia với hệ sinh thái rừng ngập mặn, diện tích 23.055 ha. Thực vật phổ biến ở rừng Cần Giờ gồm đước, mắm, bần, dà quánh… Động vật phổ biến là các loài thú (mèo rừng, khỉ đuôi dài, cầy vòi đốm …); chim (bồ nông chân xám, vạc, diệc…); cá (cá nhám, cá đối, cá vược…); các loài thủy sinh (cua biển, tôm, sò…). Đa dạng về loài gồm 555 loài thực vật bậc thấp – tảo; thực vật bậc cao: 448 loài thực vật thủy sinh, thực vật bậc cao có mạch mọc hoang 572 loài; 654 loài động vật không xương sống…
Hai mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất đối với đa dạng sinh học là khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên; sự suy giảm và mất môi trường sống (khai thác thủy hải sản bất hợp lý khiến số lượng và thành phần loài suy giảm; môi trường sống bị thu hẹp do đô thị hóa, hệ sinh thái thủy vực, đất, không khí bị ô nhiễm…). Công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở TP. HCM xác định mục tiêu là giữ cân bằng giữa bảo tồn sự đa dạng của thiên nhiên và nâng cao chất lượng sống của con người, thích nghi với sự phát triển kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu. Trong đó, biện pháp bảo tồn nguyên vị với rừng Cần Giờ đạt kết quả tốt. Nhờ vậy, rừng Cần Giờ đáp ứng hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, góp phần điều hòa khí hậu, chống gió bão, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bảo tồn được một số loài động vật hoang dã, phục vụ du lịch sinh thái, tạo điều kiện mưu sinh, phát triển kinh tế cho huyện Cần Giờ… Ngoài ra, biện pháp bảo tồn chuyển vị (di chuyển và bảo tồn loài đến nơi không phải là nơi cư trú tự nhiên mà là môi trường nhân tạo để nhân nuôi và phát triển) cũng tỏ ra hiệu quả ở Thảo cầm viên Sài Gòn; Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi…
Về định hướng bảo tồn đa dạng sinh học, TP. HCM đang có dự án xây dựng một vườn động thực vật mới với diện tích gần 487 ha tại xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi với nhiều mục tiêu như xây dựng khu trưng bày thú mô hình hoang dã, nhân giống và bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, giáo dục bảo tồn và bảo vệ môi trường, nghiên cứu về động thực vật…
Lam Vân