Tài nguyên, năng lượng và môi trường vì sự phát triển bền vững
24/10/2014
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Đó là chủ đề của hội nghị khoa học và công nghệ lần thứ 2 do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24/10/2014. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào cuối năm 2012.
PGS.TS. Phan Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường mối quan hệ giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác nghiên cứu cụ thể về sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và môi trường bằng cách gắn kết nó với các lợi ích kinh tế, xã hội, với việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi các kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công bố các định hướng nghiên cứu lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) trong tương lai.
PGS. TS Phan Đình Tuấn (Hiệu trưởng ĐH TN&MT TP. HCM) trình bày báo cáo khoa học tại hội nghị. Ảnh: LV. Tiếp nối thành công của hội nghị lần 1, hội nghị lần này quy tụ hàng trăm báo cáo có giá trị. Hội nghị gồm 3 phân ban do các chuyên gia đầu ngành chủ trì: phân ban kỹ thuật môi trường và năng lượng; phân ban quản lý môi trường; phân ban địa chất, kinh tế tài nguyên – môi trường, khí tượng – thủy văn – tài nguyên nước, biển hải đảo và biến đổi khí hậu (GEM và SIWH). Các báo cáo tại phiên toàn thể thu hút sự chú ý tham gia, tranh luận, trao đổi, chia sẻ của đông đảo các đại biểu. Đó là các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như năng lượng sinh khối và vấn đề xử lý chất thải nông nghiệp trong việc xây dựng nền kinh tế carbon thấp (PGS. TS Phan Đình Tuấn – ĐH TN&MT TP. HCM); vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và hướng giải quyết ở khu vực TP. HCM và các tỉnh phía Nam (PGS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM); khai thác và chế biến khoáng sản Bauxite Tân Rai, Tây Nguyên – 5 năm thực hiện và kinh nghiệm (GS. TSKH Đặng Trung Thuận – ĐH Quốc gia Hà Nội)…
Các đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi tại hội nghị. Ảnh: LV.
Cùng trong bối cảnh môi trường và biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề toàn cầu, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Vì vậy, trong những năm qua Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hữu dụng…; đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu tiên cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực TN&MT. Trong đó, việc thành lập ĐH TN&MT TP.HCM đã kịp thời đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho ngành TN&MT. Các hội nghị KH&CN góp phần không nhỏ phát triển các nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên, năng lượng và môi trường; qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành TN&MT nói riêng và sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.
Lam Vân