Ngày 14/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 2 tại TP.HCM.
Theo số liệu của Sở KH&CN, giai đoạn 2011-2014, TP.HCM đã đầu tư hơn 386 tỷ đồng triển khai thực hiện 562 đề tài nghiên cứu. Trong đó, tỷ lệ đề tài được ứng dụng trực tiếp là khá cao (38%). Tuy nhiên, mức độ ứng dụng còn ở phạm vi hẹp trong từng đơn vị ứng dụng mà chưa có sự lan tỏa mạnh, có ảnh hưởng lớn đến cả lĩnh vực hoặc nhóm ngành. Tỷ lệ đề tài đặt hàng phần lớn ở lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, tập trung nhiều ở các chương trình: Chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu (Chương trình 04), Chế tạo robot công nghiệp, An ninh quốc phòng, Quản lý đô thị, Tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu. Đây cũng là các lĩnh vực có nhiều kinh phí đồng tài trợ, đặc biệt là chương trình 04 và chương trình Chế tạo robot công nghiệp. Sự tham gia cùng đầu tư của các doanh nghiệp trong việc thực hiện đề tài, dự án cho thấy nhu cầu thiết thực về đổi mới thiết bị, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp.
Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Việt Dũng cho biết, hoạt động KH&CN trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động, mạnh mẽ, đã kết nối giữa nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển công nghệ (PTCN) với triển khai ứng dụng. Các hoạt động này đã đi vào thực chất, hiệu quả và góp phần tích cực vào sự phát triển của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sự đóng góp đó chưa đạt được kỳ vọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra “KH&CN là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội”. Thực tế, vẫn còn những lúng túng trong xây dựng một chiến lược lâu dài về phát triển KH&CN mang tính định hướng cao, xác định những trọng tâm nghiên cứu, giải quyết các vấn đề cụ thể trong từng giai đoạn, thời điểm. Cơ chế còn nhiều bất cập, công tác quản lý thiếu chặt chẽ, không phù hợp với đặc thù lĩnh vực, thiếu tính linh hoạt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả. Sự thiếu chuyên nghiệp trong nghiên cứu, tình trạng trễ hạn, khả năng ứng dụng thấp, khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, hoạt động chuyển giao, triển khai ứng dụng bị ách tắc là hàng loạt những vấn đề nan giải, những thách thức trong việc đưa KH&CN thực sự lan tỏa sâu rộng vào đời sống xã hội.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LV. Theo TS. Trần Du Lịch (Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn), từ năm 2000, Đại hội Đảng lần thứ IX đã đặt ra yêu cầu phải xây dựng và hoàn thiện 5 loại thị trường chính, trong đó có thị trường KH&CN, nhưng trên thực tế, thị trường công nghệ của nước ta rất chậm phát triển so với các loại thị trường khác. KH&CN cũng chưa thực sự đóng vai trò động lực của công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là bất cập trong cơ chế quản lý. Theo đó, công nghệ là sản phẩm hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường như mọi hàng hóa khác, còn khoa học là loại sản phẩm, mà chỉ trở thành hàng hóa khi nó phát triển thành công nghệ. Do đó, người ta chỉ mua sản phẩm là công nghệ chứ không ai mua sản phẩm khoa học. Nhưng, Luật KH&CN và phương thức tổ chức quản lý Nhà nước lại đang gộp chung hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt trong cơ chế thị trường này lại với nhau, rồi áp một chính sách chung cho cả hai lĩnh vực là không phù hợp và gây trì trệ cho sự phát triển thế mạnh ở cả hai lĩnh vực. Mặt khác, TP.HCM tuy năng động sáng tạo trong phát triển thị trường công nghệ nhưng vẫn không thể vượt qua các quy định chung, đặc biệt là cơ chế đầu tư và hỗ trợ tài chính cho NCKH, cơ chế ứng dụng kết quả nghiên cứu, cơ chế hoạt động của các viện và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước, cơ chế xã hội hóa hoạt động KH&CN… Nhìn chung, hoạt động KH&CN trên địa bàn thành phố vẫn phản ánh tình trạng chung của cả nước, đó là không thể hấp thụ hết và có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho KH&CN, dù còn tương đối ít ỏi.
TS. Lịch đề xuất cần xây dựng cơ chế và chính sách riêng cho hoạt động khoa học và phát triển ứng dụng công nghệ mới. Đối với thị trường công nghệ, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ tài chính để các tổ chức, cá nhân sáng tạo công nghệ mới phục vụ doanh nghiệp. Đối với hoạt động NCKH, chính sách chủ yếu đầu tư cho con người và phương tiện nghiên cứu. Về lâu dài, hoạt động NCKH chủ yếu gắn với các trường đại học, còn trong thị trường công nghệ, doanh nghiệp có vai trò chủ đạo. Ngoài ra, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nền kinh tế hấp thụ được những thành tựu của KH&CN; gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch phát triển KH&CN; Nhà nước hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ mới theo phương thức hỗ trợ “đầu ra”… Đối với TP.HCM, cần xây dựng cơ chế tự chủ của chính quyền thành phố đối với ngân sách Nhà nước đầu tư cho NCKH và PTCN; sắp xếp lại các chương trình quản lý KH&CN hiện nay, không biến các chương trình này như cánh tay nối dài của Sở KH&CN trong việc quản lý các đề tài nghiên cứu mang tính hành chính; tổ chức 2 viện nghiên cứu ứng dụng về kinh tế phát triển và công nghệ; thực hiện cơ chế đấu thầu đề tài gắn với cơ chế khoán kinh phí…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận và đề xuất hướng giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn TP.HCM hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả NCKH và PTCN, để hoạt động KH&CN có những đóng góp trực tiếp, thực sự lan tỏa vào đời sống xã hội. Các thảo luận, đề xuất tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư cho hoạt động NCKH; đẩy mạnh kết nối nhà khoa học - doanh nghiệp - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về NCKH và PTCN.
Lam Vân