SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoạt động thông tin, thống kê KH&CN vùng Đông Nam Bộ: Liên kết và chia sẻ để hoạt động hiệu quả

Đây là kết luận được rút ra từ Tọa đàm “Hoạt động thông tin, thống kê KH&CN vùng Đông Nam Bộ - Thực trạng và định hướng” do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai tổ chức vào chiều 23/3 tại khách sạn Đồng Nai.
 
Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tọa đàm là hoạt động nằm trong chuỗi 12 sự kiện của Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ lần thứ 13, năm 2015. Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN trong Vùng;  lãnh đạo các Trung tâm Thông tin KH&CN, phòng Thông tin KH&CN trực thuộc các Sở KH&CN; đại diện các đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước về thông tin, thống kê KH&CN. Mục tiêu của tọa đàm là rà soát, đánh giá lại kết quả hoạt động sau 5 năm, từ 2011-2015, đồng thời đưa ra định hướng cho hoạt động thông tin và thống kê KH&CN trong giai đoạn 2015-2020 sắp tới.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ thông tin, thống kê KH&CN tại địa phương, những hạn chế, khó khăn về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; trao đổi kinh nghiệm phát triển và khai thác các nguồn tin khoa học đang sử dụng ngân sách nhà nước, chia sẻ các mô hình dịch vụ cung cấp thông tin KH&CN hiệu quả và định hướng nhân rộng mô hình…

Theo đánh giá của ông Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, trong khi công tác thống kê KH&CN còn mới nhưng thực hiện khá trơn tru bài bản, thì hoạt động thông tin đã tiến hành nhiều năm vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Một trong những nguyên nhân là sự thiếu thống nhất trong đầu mối thông tin ở các Bộ, Ngành.

Theo báo cáo năm 2014, chỉ riêng khu vực Đông Nam Bộ, tên gọi của các đầu mối thông tin KH&CN cũng rất đa dạng. Nếu đầu mối thông tin ở TP.HCM  là “Trung tâm Thông tin KH&CN”; thì ở Bình Thuận là “Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN”; Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương có “Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN”. Riêng Tây Ninh và Bình Phước không có “Trung tâm Thông tin” mà chỉ có “Phòng Thông tin”. Ngoài ra, quy mô, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của các đơn vị đầu mối thông tin cũng không tương đồng, dẫn đến hiệu quả hoạt động còn nhiều khác biệt. Cụ thể, TP.HCM và Đồng Nai là hai khu vực được quan tâm đầu tư, có nguồn nhân lực đầy đủ nên đã xây dựng được các quy trình và dịch vụ thông tin khá bài bản. Trong khi đó, một số tỉnh khác trong vùng lại thiếu cả nhân lực, cơ sở vật chất và nguồn lực thông tin. Cá biệt, có địa phương chỉ có 2 người đảm trách toàn bộ hoạt động, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Định, để cải thiện hiệu quả hoạt động thông tin KH&CN, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hoàn thiện hành lang pháp lý, còn cần đến sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương để xây dựng và phát triển nguồn lực. Ông cũng nhấn mạnh, trong các nguồn lực thông tin, thông tin về công nghệ đặc biệt rất thiếu và rất yếu. Công nghệ trên thế giới luôn luôn được đổi mới và phát triển, do vậy, quá trình khai thác thông tin công nghệ nhất định phải kết hợp với sự tư vấn của các chuyên gia để đảm bảo độ tin cậy của thông tin.

Với thuận lợi của đơn vị đóng tại TP.HCM, có mối liên hệ rất tốt với các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu trong cả nước, và mong muốn hỗ trợ, hợp tác với các địa phương bạn trong Vùng, bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN TP.HCM đề xuất các địa phương cùng phối hợp xây dựng mạng lưới liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, nhu cầu, nguồn lực… tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thông tin, thống kê KH&CN khu vực miền Đông Nam Bộ ngày càng phát triển.
 
T.N

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả