Theo ông Võ Tân Thành (Giám đốc VCCI HCM), trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế toàn cầu, hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương đang và đã được thảo luận, ký kết, việc trang bị các năng lực cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam giữ vững được thị trường trong nước cũng như tham gia thành công vào thị trường xuất khẩu được chính phủ, các bộ ban ngành, các tổ chức đại diện doanh nghiệp, hiệp hội và bản thân các doanh nghiệp ưu tiên chú trọng đầu tư.
Đối với các SME, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi mỗi doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh hạn chế nhiều về nguồn lực công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực.
Ông Võ Tân Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: LV.
Nhằm hỗ trợ các SME khắc phục những hạn chế, hội nhập sâu rộng, đồng thời tích cực và chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ tháng 6/2011, VCCI HCM đã phối hợp cùng ILO triển khai Chương trình Phát triển Doanh nghiệp bền vững (SCORE).
Tính đến nay, chương trình đã hỗ trợ cho trên 110 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ, gần 30 doanh nghiệp cơ khí và dệt may với nhiều kết quả tích cực như: 91% doanh nghiệp tham gia tiết kiệm được chi phí sản xuất, 61% doanh nghiệp áp dụng được phương pháp cải thiện giao tiếp tại nơi làm việc, giảm 29% lỗi trên dây chuyền sản xuất, giảm 42% tỷ lệ thôi việc của nhân viên. Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp nâng cao hơn nữa vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương, thông qua việc tham gia tích cực của đông đảo hội viên và của chính các hiệp hội như Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Hội chế biến gỗ và lâm sản Bình Định, Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM,…
Với những thành quả nêu trên, chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo từ 2018 - 2021 của chương trình là mở rộng đối tượng hỗ trợ sang nhiều lĩnh vực sản xuất khác như công nghiệp phụ trợ, may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, điện - điện tử,… thông qua việc áp dụng phương pháp và kinh nghiệm đào tạo SCORE đã được phát triển và cải tiến trong giai đoạn 2011 - 2017.
Về cơ hội và thách thức cho SME khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Brian Mtonya (Chuyên gia kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới), Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: có thể tiếp tục tăng trưởng như một nền tảng xuất khẩu cho chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyên về các chức năng lắp ráp có giá trị gia tăng thấp, với quá trình công nghiệp hóa xảy ra trong những khu vực ít liên quan đến nền kinh tế hoặc xã hội ở phạm vi rộng hơn. Hoặc có thể tận dụng được làn sóng tăng trưởng hiện tại để đa dạng hoá và thúc đẩy chuỗi cung ứng với các chức năng có giá trị gia tăng cao hơn và nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp nội địa năng động, sáng tạo và độc lập có khả năng phát triển các sản phẩm “được làm tại Việt Nam”.
Ông Brian Mtonya trình bày về cơ hội và thách thức cho SME khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: LV.
Tuy nhiên thành công trong cả hai lĩnh vực này sẽ đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải nhìn nhận quá trình phát triển theo cách khác và xem xét toàn diện hơn các thực tiễn mới của nền kinh tế toàn cầu.
Cũng theo ông Brian Mtonya, những gì cần làm trước tình hình này là: điều chỉnh mục tiêu của chính sách công nghiệp cho phù hợp với nhu cầu nâng cấp; tận dụng FDI để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước; hỗ trợ các doanh nhân trong nước và các doanh nhân hồi hương phát triển thương hiệu “Made in Vietnam” cho thị trường trong nước, khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, thách thức cho các doanh nghiệp trong nước hiện nay là không gian đã bị thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất bởi các doanh nghiệp lớn hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu thường sử dụng nhóm nhà cung cấp toàn cầu ở khắp mọi nơi; các chức năng có giá trị cao (đổi mới, thiết kế, các thành phần lõi) nằm ngoài Việt Nam;… Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào các công đoạn có nhiều giá trị gia tăng hơn như nghiên cứu phát triển sản phẩm, thiết kế sáng tạo sản phẩm, marketing sản phẩm. Các dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng đối với tính cạnh tranh của hoạt động sản xuất và chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị gia tăng của một sản phẩm. Xu hướng công nghiệp 4.0 hiện nay nên đi theo là thương mại điện tử, tự động hóa sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Chia sẻ tại diễn đàn những kinh nghiệm cải tiến khi tham gia dự án SCORE, ông Lê Văn Minh (Giám đốc Công ty gỗ Tường Văn, Bình Dương) cho biết, công ty đã tham gia với chuyên đề Hợp tác nơi làm việc, quản lý chất lượng với sự tham gia của nhiều cán bộ và người lao động. Kết quả sau khi thực hiện, công ty đã bố trí dây chuyền sản xuất ghế theo mô hình Lean (sản xuất tinh gọn) khá thành công qua kết quả takt-time (thời gian sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu khách hàng) từ 14 ngày xuống còn 9 ngày; tiết kiệm được trung bình 840 triệu đồng/năm; có được văn hoá Kaizen và tinh thần hợp tác nơi làm việc. Với Công ty in Minh Mẫn (TP.HCM), sau khi tham gia dự án, người lao động trong công ty đã có tinh thần tự giác, chủ động trong việc duy trì thực hiện chương trình 5S - Kaizen, môi trường làm việc luôn sạch sẽ và mang lại hiệu quả cao tron sản xuất, Kaizen giúp giảm các thao tác thừa và gắn kết tinh thần làm việc, tăng lợi nhuận cho công ty và thu nhập cho nhân viên.