SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến: một bước hiện thực hóa Nghị quyết 48/NQ-CP

Ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản và chế biến nông sản, thủy sản là một giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết 48/NQ-CP nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Đây cũng là chủ đề của Chương trình báo cáo phân tích xu hướng công nghệ lần thứ 9 trong năm 2016, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM tổ chức vào sáng 11/11/2016 tại 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM.


Toàn cảnh buổi báo cáo

Báo cáo viên chính của chương trình, TS. Lại Quốc Đạt, khoa Kỹ thuật Hóa học (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết, theo thống kê của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), khoảng 70% các loại nông sản phải trải qua quá trình sấy khi bảo quản và chế biến. Quá trình này nhằm làm giảm độ ẩm của nguyên liệu để hạn chế sự biến đổi do sự hiện diện của nước gây ra nhằm kéo dài thời gian bảo quản, và thay đổi tính chất của nguyên liệu nhằm mục đích chế biến. 
 
Yêu cầu đặt ra hiện nay cho công đoạn sấy rất đa dạng: cần tăng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả kinh tế; cải thiện chất lượng và quản lý chất lượng trong quá trình sấy; sử dụng năng lượng tái tạo; tìm kiếm các giải pháp giúp quá trình sấy an toàn hơn (giảm nguy cơ cháy nổ, giảm các mối nguy liên quan tác nhân sấy, vận hành an toàn); phát triển các phương pháp để sấy các loại nguyên liệu không thể sấy theo phương pháp sấy truyền thống. Một số giải pháp đang được quan tâm ứng dụng là: cải tiến hệ thống sấy với nhiều giai đoạn sấy khác nhau nhằm tăng hiệu quả quá trình bốc ẩm nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm; điều khiển lượng nhiệt cấp vào theo thời gian đối với quá trình sấy theo mẻ để tiết kiệm năng lượng; thực hiện quá trình sấy ở nhiệt độ thấp để đảm bảo chất lượng của sản phẩm,…

TS. Lại Quốc Đạt giới thiệu các phương pháp sấy tiên tiến

TS. Lại Quốc Đạt cũng thông tin thêm, thời gian qua, các nhà nghiên cứu tại khoa Kỹ thuật hóa học (Đại học Bách khoa TP.HCM) đã ứng dụng thành công nhiều phương pháp sấy tiên tiến, ví dụ như sấy nhiệt độ thấp có hỗ trợ bơm nhiệt và năng lượng mặt trời vào sấy nông sản. Kết quả khảo nghiệm với hoa artichoke (hoa áctisô) và củ dền cho thấy, hiệu suất tái sử dụng nhiệt từ bơm nhiệt đạt 95-96%; hệ số hiệu quả năng lượng (COP) đạt từ 7,17-7,21; năng lượng tiêu thụ cho mỗi kg ẩm bốc hơi chỉ từ 3,51-4,2 kWh. Phương pháp sấy này đạt hiệu quả năng lượng cao, hạn chế sự biến đổi của các thành phần dinh dưỡng trong nông sản, rất phù hợp cho sấy các loại nấm, dược liệu và hải sản.

Để minh chứng, ông Nguyễn Cửu Khuê, đại diện Công ty TNHH Bắc Nam, đã giới thiệu đến cử tọa gồm hơn 40 đại biểu từ các viện trường, sở ngành, cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam các sản phẩm thực tế được sấy bằng phương pháp sấy nhiệt độ thấp có hỗ trợ bơm nhiệt và năng lượng mặt trời như sen, mít,... và cả các loại gia vị như rau thơm, củ sả,…

Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, đơn vị tổ chức, hoạt động nghiên cứu các phương pháp sấy tiên tiến nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản thời gian qua ở TP.HCM cũng được nhiều quan tâm; nhiều đề tài nghiên cứu đã đăng ký tại Sở KH&CN TP.HCM như: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống máy sấy chân không cơm sầu riêng tự động 500kg/mẻ” của TS. Nguyễn Trọng Tài và ThS. Lê Thanh Sơn (Phòng Thí nghiệm trọng điểm điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống – Đại học Bách khoa TP.HCM);  “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sấy nâng cao chất lượng sản phẩm cá dứa khô” của TS. Vương Thành Tiên và PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng (Đại học Nông Lâm TP.HCM); “Nghiên cứu công nghệ và thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị sấy bơm nhiệt đa năng các sản phẩm của ong mật” của TS. Vũ Kế Hoạch và Lê Anh Đức (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng); “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sấy mật ong theo phương pháp cô đặc chân không” của PGS. Nguyễn Hay (Đại học Nông Lâm TP.HCM);…
 
Các đề tài nghiên cứu cũng còn được các tác giải đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ như “Thiết bị sấy thăng hoa” của Đại học Bách khoa TP.HCM; “Hệ thống sấy mật ong” của Đại học Nông Lâm TP.HCM,.. Đây chính là những hưởng ứng rất thiết thực của giới nghiên cứu khoa học Thành phố đối với chủ trương của Nhà nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, như Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ đã xác định.

Đại biểu cùng trao đổi, thảo luận các nội dung quan tâm
T.K

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả