SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp công nghệ: Cần chiến lược và kết nối

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức buổi tham vấn cộng đồng và chuyên gia về hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020.

Ông Dominic Patrick Mellor - chuyên gia kinh tế quốc gia của Ngân hàng ADB cho biết trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) tại Việt Nam, bên cạnh các doanh nghiệp đang hoạt động thì vẫn còn đó rất nhiều doanh nghiệp (DN) vừa thành lập hay cá nhân, tổ chức đang ấp ủ những đề tài, dự án KH&CN tiềm năng song gặp phải khó khăn về kinh phí, kiến thức và cả kinh nghiệm để hiện thực hóa cũng như đưa ra thị trường phát minh, ý tưởng sản phẩm của mình.

Những DN, cá nhân và tổ chức này xét ở góc độ tế bào thì đó chính là những đơn vị khởi nghiệp (startup).
 
 
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu dẫn đề buổi trao đổi với nhóm chuyên gia của ADB và cộng đồng các nhà khoa học, DN khởi nghiệp TP.HCM vào sáng 10/3.

Là người theo dõi sát sao sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam trong nhiều năm, ông Dominic khẳng định nhóm doanh nghiệp startup là một cộng đồng sáng tạo, và chính phủ Việt Nam đã và đang có hàng loạt hoạt động thiết thực, triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn cầu với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan Nhà nước, ban ngành, giới chức và hội đoàn.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước không phải là điều kiện tiên quyết cũng như nguồn lực chính để chương trình (hỗ trợ đổi mới sáng tạo - PV) thành công, mà cần sự hợp lực chung của mọi nguồn lực.
 
 
Chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng ADB Dominic Patrick Mellor khẳng định ADB luôn đồng hành cùng sự phát triển KH&CN của TP.HCM.

"Nhu cầu thực tế từ phía các DN khởi nghiệp là gì, thì chúng ta cần tạo ra một chương trình phù hợp", chuyên gia Dominic Patrick Mellor nhấn mạnh, "Sáng tạo là cần thiết, song đôi khi các startup lại đưa ra các mô hình sáng tạo có tính chất gây nhiễu, từ đó gây ra những tác động, ảnh hưởng có phần tiêu cực đến xã hội, nền kinh tế".

Thay vào đó, theo ông Dominic, để thành công thì các startup Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN, cần cố gắng sáng tạo và xa hơn nữa là hãy đưa các sáng tạo, phát minh ấy đi sâu vào thực tiễn.

Đẩy ý tưởng ra thị trường

Theo ông Brian Lovern Barge - Chủ tịch kiêm CEO công ty tư vấn phát triển và đánh giá các dự án khoa học quốc tế The Evidence Network (Canada), ở bất kỳ quốc gia nào, mục tiêu của các kế hoạch phát triển KH&CN và hỗ trợ doanh nghiệp startup là tìm kiếm những chương trình có tính hiệu quả nhất. Do đó, chúng ta trước tiên cần xác định được đâu là những chỉ tiêu/con số cần đánh giá, số liệu đầu vào là gì, và sử dụng công cụ nào để đánh giá.

Song, trong lĩnh vực KH&CN, theo chuyên gia Brian, câu hỏi quan trọng bậc nhất lại chính là "sáng tạo nằm ở đâu, và các hoạt động sáng tạo nằm ở đâu?".
 
 
Ông Brian Lovern Barge đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của một bản cáo bạch về những lĩnh vực tiềm năng để DN khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN không đi lạc lối.

Tiếp đến, sau khi ý tưởng sáng tạo ấy được đánh giá là sẽ có tác động tích cực về mặt lợi ích kinh tế hay xã hội, thì bài toán đặt ra vào lúc này lại là làm thế nào để kết nối ý tưởng của nhà sáng tạo, của DN với các vườn ươm (incubator), các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và với cả Chính phủ của quốc gia sở tại.

Một quốc gia khai thác được sức mạnh của DN startup, chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Brian, một ý tưởng sáng tạo chỉ thực sự hiệu quả khi mang lại hiệu quả về mặt kinh tế dù trong ngắn hạn hay dài hạn cho cả chủ nhân ý tưởng và các nhà đầu tư, vì lẽ đó hãy đừng ngần ngại "đẩy ý tưởng ra thị trường".

Quay trở lại với vai trò tư vấn của nhà đầu tư cũng như chính phủ, vị chuyên gia đến từ Canada cho rằng, sự phối hợp giữa việc tư vấn kiến thức để tirển khai các dự án, phát triển ý tưởng và sản xuất thực tế, với việc tư vấn và hỗ trợ tài chính là cực kỳ quan trọng, nhưng rõ ràng là "cấp vốn thôi thì không hiệu quả". Các nhà đầu tư cần tư vấn cho DN các kiến thức khác liên quan đến quản trị, kinh doanh và thậm chí cả truyền thông để quảng cáo thương hiệu, khai thác các hình thức thương mại mới.

Sáng tạo cần thị trường và thị trường cũng sẽ tác động ngược trở lại cho sự sáng tạo, theo ông Brian.

Vườn ươm: Liên kết hay kinh doanh?

Tán đồng với quan điểm của ông Brian về việc liên kết DN với vườn ươm, cũng như liên kết giữa các vườn ươm DN công nghệ cao, ông Kwang Park (Kevin) đến từ Vườn ươm KH&CN Hàn Quốc cũng cho rằng các DN khởi nghiệm rất cần sự hỗ trợ từ vườn ươm bởi đây chính là môi trường tốt nhất để những ý tưởng nẩy mầm theo đúng "quy hoạch" của nhu cầu xã hội và thị trường, hay nói cách khác vườn ươm là sự hỗ trợ sống còn cho DN đang phát triển các ý tưởng, dự án KH&CN.
 
 
Ông Kevin cho biết chính phủ đặc biệt có nhiều chính sách cấp vốn cho DN khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN và công nghệ cao.

Tuy nhiên, kinh nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy, bên cạnh những vườn ươm mang tính chất "tạo nguồn" thì vẫn cần sự tham gia của các vườn ươm có khả năng kinh doanh sản phẩm KH&CN bởi suy cho cùng thì vườn ươm cũng là một DN, mà DN thì lẽ đương nhiên phải có lợi nhuận để tồn tại.

Tại Hàn Quốc, theo ông Kevin, có khá nhiều vườn ươm được đặt trong các trường đại học hay viện nghiên cứu, ban đầu hoạt động với sự trợ vốn của chính phủ và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi vượt qua được mố "thung lũng chết" trong tiến trình phát triển thì các vườn ươm này sẽ chủ động tách ra để vận hành độc lập như là một DN hoạt động trong lĩnh vực KH&CN.

Ở khía cạnh tài trợ vốn/kinh phí cho các dự án startup hay vườn ươm, ông Kevin khẳng định cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư công - tư, và hơn hết là các bên từ DN khởi nghiệp, nhà đầu tư, quỹ trợ vốn và vườn ươm và cả khách hàng phải đứng trong cùng một hệ sinh thái (ecosystem).

Và để một DN startup hay vườn ươm thu được lợi nhuận cũng như có được khách hàng, vẫn có cùng quan điểm với chuyên gia Brian, ông Kevin nhấn mạnh đến câu hỏi hãy xác định xem ý tưởng đó khác biệt so với ý tưởng khác như thế nào, và có ai cần ý tưởng/sản phẩm ấy không?

Chính phủ hãy là chất xúc tác

Nữ chuyên gia đến từ Singapore, TS. Lerwen Liu cho biết, KH&CN nói chung và công nghệ cao nói riêng là trọng điểm mà mọi quốc gia cần dồn lực đầu tư để qua đó tạo động lực cho sự phát triển của toàn nền kinh tế.
 
 
TS. Lerwen Liu cho rằng vai trò và sự dẫn dắt của Chính phủ trong thúc đẩy phát triển KH&CN là cực kỳ cần thiết.

Tại Trung Quốc và Singapore, theo TS. Liu, không chỉ đầu tư vào khâu nghiên cứu và hiện thức hóa các ý tưởng, các vườn ươm còn dành ra nhiều khoản ngân sách phù hợp để phát triển bộ phận R&D, tái đầu tư nền tảng (máy móc, công nghệ) để phục vụ công tác nghiên cứu, thu hút và đào tạo nhân tài.

"Tự chủ về KH&CN là một chuyện, còn làm được hay không, và làm được đến mức độ nào lại là chuyện khác", bà Lerwen Liu phát biểu.
 

Cũng theo bà Liu, nghiên cứu và phát triển R&D sẽ tạo ra giá trị cộng thêm cho các ý tưởng và giải pháp sáng tạo, và sau khi các sản phẩm KH&CN này hoàn tất giai đoạn gia công và bước ra thị trường thì chính sự cạnh tranh ở thị trường sẽ quay trở lại tác động vào khâu R&D nhằm tạo ra các sản phẩm hoàn thiện hơn, hữu dụng và thiết thực hơn với nhu cầu của thị trường, của xã hội.

Nhận định về vai trò của các cơ quan nhà nước đối với nhiệm vụ thúc đẩy sự đổi mớisáng tạo trong lĩnh vực KH&CN, bà Liu khẳng định chính phủ chính là chất xúc tác, chứ không phải là rào cản, đồng thời đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường và đẩy mạnh các mô hình hợp tác công - tư trong ươm tạo DN khởi nghiệp, đặc biệt ở mảng công nghệ cao. "Lẽ dĩ nhiên, với DN, tinh thần khởi nghiệp là hết sức cần thiết để đi đến thành công", bà Liu chia sẻ quan điểm.


Vào ngày mai 12/3, tại TP.HCM, dưới sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM, sẽ diễn ra ngày hội Saigon Tech Startup Fest 2016.

Với chủ đề "Mang tinh thần thung lũng Silicon tới Việt Nam, sự kiện Saigon Tech Startup Fest 2016 ra đời với mong muốn giúp người Việt khám phá những dự án công nghệ thú vị, những công ty công nghệ mới nổi, những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn và những cộng đồng năng động nhất đang thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển.

Điểm đặc biệt của Saigon Tech Startup sẽ là “hội nghị công nghệ”, “workshops”, “Makerspace” và “hội chợ khởi nghiệp” quy mô lớn, bao quát những chủ đề thú vị về nền kinh tế kỹ thuật số, công nghệ, ngành công nghiệp khởi nghiệp, với sự có mặt của hơn 30 nhân vật có tầm ảnh hưởng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và truyền cảm hứng.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, đại diện của các hãng công nghệ lớn như Google, Uber, Microsoft... sẽ thảo luận cùng giới trẻ về những vấn đề liên quan đến khởi nghiệp công nghệ tại sự kiện.

Sự kiện này cũng sẽ có những nội dung đặc biệt liên quan tới Growth Hacking, phát triển ứng dụng di động, quản trị sản phẩm, xu hướng phát triển công nghệ liên quan đến Việt Nam trong tương lai.

Saigon Startup Fest 2016 được tổ chức bởi GetLinks và Startup.vn, SHIELD, VYE (Viet Youth Entrepreneurs – Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam).


Nguồn: pcworld.com.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả