TP. HCM giới thiệu dự án phát triển giao thông xanh
14/08/2015
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 12/8, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Công trình giao thông Đô thị TP. HCM (UCCI) tổ chức lễ giới thiệu Dự án Phát triển Giao thông xanh và ra mắt hệ thống nhận diện thương hiệu “Saigon BRT” do UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản. Dự án với tuyến xe buýt nhanh BRT chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ sẽ cung cấp cho TP.HCM một loại hình vận tải hành khách công cộng mới với thời gian vận chuyển ngắn hơn, tiện nghi, an toàn và chính xác hơn.
Ông Lương Minh Phúc (Trưởng ban UCCI) cho biết, hợp phần 1 của dự án là xây dựng tuyết xe buýt nhanh số 1 trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ với tổng chiều dài 23 km và các hạ tầng hỗ trợ như 28 trạm dừng, 17 cầu đi bộ, 1 ga cuối tuyến và 1 bãi hậu cần kỹ thuật. Tuyến đầu tư 28 xe buýt nhanh BRT sử dụng nhiên liệu sạch CNG, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Ngoài ra, hợp phần này cũng đầu tư hệ thống giao thông minh (ITS) bao gồm hệ thống quản lý giao thông tiên tiến (tín hiệu giao thông thông minh, camera, hệ thống thông tin điện tử) và hệ thống vận hành quản lý xe buýt (hệ thống định vị toàn cầu, thiết bị giao tiếp),…
Hợp phần 2 bao gồm các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho việc vận hành tuyến buýt nhanh BRT; huấn luyện đào tạo, tăng cường năng lực và nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị liên quan như Sở Giao thông vận tải, UCCI; nghiên cứu tích hợp (giá vé, vận hành) tuyến buýt nhanh BRT với các tuyến tàu điện ngầm (MRT) trong tương lai; xây dựng chính sách nhằm khuyến khích phát triển giao thông công cộng dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ,…
Đại diện các đơn vị công bố dự án và hệ thống nhận diện thương hiệu Saigon BRT. Ảnh: LV.
Tại buổi lễ, UCCI cũng đã công bố hệ thống nhận diện thương hiệu chính thức với tên gọi Saigon BRT và logo thương hiệu tông màu xanh dương và cam với hình ảnh chim én đang vút bay cùng câu khẩu hiệu “đi vui về thích”.
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư 137,5 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 124 triệu USD và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố 13,5 triệu USD. Dự án được thực hiện trong thời gian từ năm 2015-2020. Việc triển khai dự án với các công trình trên tuyến được thiết kế theo định hướng thân thiện môi trường, tăng cường mảng xanh đô thị và nhất là với loại xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG sẽ góp phần khắc phục vấn đề khí thải từ xe cộ, đặc biệt là xe máy, từ đó giảm ô nhiễm không khí ở TP.HCM. Đồng thời, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến cũng như trên địa bàn thành phố; góp phần phát triển, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.
Lam Vân