Chiều 28/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức buổi Tọa đàm “Gặp gỡ, tôn vinh các nhà sáng tạo và sáng chế không chuyên”. Một số nhà sáng chế, sáng tạo tiêu biểu của TP. HCM đã tham dự và bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN).
Theo ông Đào Minh Đức (Trưởng phòng Sở hữu Trí tuệ, Sở KH&CN TP.HCM), trong những năm qua, TP.HCM đã phát động nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhằm khuyến khích, phát hiện và hỗ trợ kịp thời các sáng chế tiềm năng như phong trào lao động sáng tạo, giải thưởng sáng chế, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi thành phố,… Trong đó, phong trào sáng tạo kỹ thuật do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM tổ chức giai đoạn 2005 - 2014 đã thu hút trên 1.500 giải pháp dự thi với 355 đề tài đạt giải thưởng cấp thành phố và 55 sản phẩm đạt giải thưởng cấp quốc gia. Đáng chú ý, số lượng đơn đăng ký sáng chế của các nhà sáng tạo trên địa bàn TP.HCM đã có sự tăng trưởng đáng kể. Giai đoạn 2001 – 2006, trung bình mỗi năm có khoảng 88 đơn đăng ký sáng chế, đến giai đoạn 2006 – 2011 đã tăng lên 119 đơn đăng ký/năm và giai đoạn 2011 – 2014 là 193 đơn đăng ký/năm.
Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: LV. Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, nhưng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, cơ chế, chính sách của Nhà nước và các cơ quan quản lý vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần phải thay đổi nếu muốn phong trào sáng tạo phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Khó khăn trở ngại lớn nhất các nhà sáng chế gặp phải vẫn là nguồn vốn và các thủ tục hành chính để có thể sản xuất và ứng dụng thành công các sản phẩm sáng chế vào đời sống. Điển hình như nhà sáng chế Bùi Ngọc Minh Tâm đã tạo ra giải pháp thiết thực ứng dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày (dùng tin nhắn điện thoại để điều khiển hệ thống tưới rau, tưới cây, phát âm thanh trong nuôi chim yến, cho gà và cho cá ăn) được nhiều người quan tâm đặt hàng nhưng ông Tâm không đủ kinh phí để sản xuất. Nhà sáng chế Nguyễn Duy Linh cũng cho biết, trong những năm qua, ông đã tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều sản phẩm phục vụ cho đời sống nhân dân như máy rửa chén bát, máy thái bột mỳ, máy bay tự động… và nhận được sự đánh giá cao từ phía khách hàng. Thế nhưng, do nghiên cứu với tư cách cá nhân, nên ông luôn ở trong tình trạng thiếu kinh phí phục vụ cho công việc của mình.
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, những ý kiến thu thập qua buổi tọa đàm sẽ là cơ sở để Sở tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thành phố nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các nhà sáng chế, sáng tạo. Tuy nhiên, các nhà sáng chế, các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sáng tạo luôn phải năng động, chủ động chứ không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Một trong những hướng tạo thêm nguồn lực cho hoạt động sáng chế, sáng tạo là xã hội hóa các hoạt động này để lôi kéo các dòng vốn, các nhà đầu tư ngoài xã hội tham gia đầu tư sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm sáng chế, sáng tạo. Thời gian tới Sở KH&CN sẽ tìm kiếm những mô hình phù hợp, chú trọng xã hội hóa các hoạt động sáng tạo để các nhà sáng chế hoạt động hiệu quả hơn, góp phần đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Lam Vân