SpStinet - vwpChiTiet

 

Probiotic: tiềm năng mở rộng nghiên cứu và ứng dụng

Chương trình báo cáo phân tích xu hướng công nghệ do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức ngày 13/8 có chủ đề “Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng chủng lợi khuẩn probiotic trong y học và thực phẩm chức năng” đã cung cấp những thông tin liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng chủng lợi khuẩn probiotic tại Việt Nam.

Theo PGS.TS.Trần Cát Đông (Trưởng bộ môn Vi sinh – Ký sinh, Đại học Y Dược TP.HCM), probiotic là các vi sinh vật sống khi được bổ sung một lượng vừa đủ sẽ có tác động có lợi lên sức khỏe vật chủ. Lợi khuẩn probiotic cần đạt các yêu cầu về an toàn, chức năng, công nghệ như có nguồn gốc rõ ràng, định danh chính xác; được chứng minh là không có khả năng gây bệnh; phải có những đặc điểm phù hợp với công nghệ để có thể đưa vào sản xuất; có khả năng dung nạp với acid và dịch vị của người,… Hiện nay chủng truyền thống được sử dụng nhiều trong sản xuất là vi khuẩn lactic (lactobacillus, bifidobacterium, lactococcus, streptococcus,…) được lấy từ sản phẩm lên men truyền thống và sử dụng an toàn nhưng có một số hạn chế không thích hợp cho dạng chế phẩm hiện đại nên có xu hướng phân lập, tìm kiếm các chủng mới.

Về xu hướng dạng chế phẩm, probiotic được bổ sung trong các dạng thực phẩm như sữa chua, sữa lên men dạng lỏng, phô mai, bánh kẹo, nước trái cây; dược phẩm dạng rắn như bột uống, cốm, viên nang; dược phẩm dạng lỏng như hỗn dịch, sirô, thuốc giọt,… Trong y dược, probiotic được ứng dụng trong các sản phẩm cung cấp dinh dưỡng, phòng, giảm nguy cơ bệnh, tăng cường sức khỏe. Trong chăn nuôi, thủy sản, ứng dụng thay thế kháng sinh, tăng cường hấp thu thức ăn, tăng trọng, xử lý nước thải, chất thải, tăng cường sắc tố. Trong nông nghiệp, có thể ứng dụng vào sản xuất phân bón vi sinh, kích thích tăng trưởng, phòng và trị bệnh ở cây trồng.
 

PGS. TS. Trần Cát Đông trình bày báo cáo. Ảnh: LV.

Phân tích tình hình đăng ký bảo hộ sáng chế có liên quan đến probiotic, KS. Đặng Như Mơ (CESTI) cho biết, trên cơ sở dữ liệu Thomson Innovation hiện có khoảng 6458 sáng chế đã được đăng ký bảo hộ. Sáng chế đầu tiên có liên quan đến probiotic được nộp đơn đăng ký bảo hộ năm 1979, đề cập đến việc bổ sung probiotic trong thức ăn gia súc. Số lượng sáng chế tăng dần theo thời gian và nhiều nhất vào năm 2010 với 647 sáng chế đã đăng ký. Hiện nay, các sáng chế có liên quan đến probiotic đang được nộp đơn đăng ký bảo hộ ở 55 quốc gia trên toàn thế giới, tập trung nhiều nhất ở Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nga, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Tại Việt Nam, đến nay có 29 sáng chế liên quan đến probiotic đã được đăng ký bảo hộ. Trong đó đa số là những công ty nổi tiếng trên thế giới về các sản phẩm dinh dưỡng, dược phẩm, thực phẩm chức năng như ABBOTT LABORATORIES, MEAD JOHNSON NUTRITION COMPANY, UNILEVER N.V,…

Phân tích theo các hướng nghiên cứu, các sáng chế liên quan đến probiotic tập trung nhiều ở các hướng nghiên cứu về dược phẩm dùng để chữa bệnh; thực phẩm hoặc đồ uống không cồn, bảo quản thực phẩm; vi sinh vật hoặc enzym; thức ăn cho gia súc; hoạt tính trị liệu đặc hiệu của các hợp chất hóa học hoặc các chế phẩm dược như thuốc điều trị rối loạn ống tiêu hóa hoặc hệ tiêu hóa, thuốc chống nhiễm khuẩn; sản phẩm sữa.

PGS. TS. Trần Cát Đông cho biết thêm, Đại học Y Dược TP.HCM đã tiến hành một số nghiên cứu về probiotic như dự án colorspores: phân lập, khảo sát đặc tính và ứng dụng vi khuẩn Bacillus spp. làm phụ gia thực phẩm, chất tạo màu và thực phẩm chức năng thế hệ mới; nghiên cứu vi sinh vật làm nguồn cung cấp chất chống oxy hóa; nghiên cứu một số ứng dụng mới của vi khuẩn probiotic: xử lý tiêu chảy, ngăn ngừa hậu quả sốc nhiệt, bảo vệ gan chống stress oxi hóa do rượu và độc tố, hạ cholesterol, giảm  nguy cơ bệnh tim mạch, tăng cường hấp thu sắt; nghiên cứu một số dạng bào chế mới đối với chế phẩm probiotic (viên ngậm, kẹo ngậm, hỗn hợp, sirup,…).  Dự án colorspores nghiên cứu theo hướng probiotic sinh carotenoid. Nghiên cứu đã tìm ra nguồn cung cấp carotenoid mới là từ Baccillus. Carotenoid từ Bacillus có nhiều thuận lợi và ưu điểm trong việc sản xuất hơn các nguồn khác như: có tính ổn định cao, có hoạt tính chống oxy hóa tốt, hấp thu tốt và tích lũy trong cơ thể, có thể dùng dưới dạng probiotic hay thực phẩm chức năng. Ngoài ra, Đại học Y Dược cũng đang thực hiện các đề tài thử nghiệm probiotic phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm, giảm nguy cơ tim mạch, tăng cường hấp thu sắt,…; các đề tài về chế phẩm như viên ngậm trị viêm họng chứa Bacillus spp., nước uống chống sốc nhiệt, sirô chứa probiotic dùng cho trẻ em,…

Trong tương lai, các nghiên cứu về probiotic phải tìm hiểu về các cơ chế mà hệ vi khuẩn đường ruột tương tác với các biểu mô ruột trong vấn đề sức khỏe và bệnh tật. Nhờ kiến thức này có thể phát triển các dòng probiotic tối ưu. Với các công nghệ phát triển hiện nay như bao vi nang, cố định tế bào, lên men liên tục, các dòng probiotic sẽ trở thành một thành phần quan trọng và hữu dụng trong các loại thực phẩm chức năng, mở rộng các ứng dụng probiotic sang các ngành công nghiệp dược phẩm và thực phẩm bổ sung.

Báo cáo đã thu hút 46 đại biểu quan tâm tham dự từ các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Lam Vân 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả