Theo OECD, tăng 1% bảo vệ bản quyền sẽ tương đương tăng 6.8% đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Hiện nay, trong thời đại kỹ thuật số, tình hình vi phạm bản quyền ngày càng gay gắt, trong đó có Việt Nam. Để tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài và cùng tìm ra giải pháp chống vi phạm bản quyền, ngày 05/8/2015 tại khách sạn Kim Đô đã diễn ra Hội thảo quốc gia về “Quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề cấp bách” do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Cục Bản quyền tác giả Việt Nam tổ chức, với sự hỗ trợ của Cơ quan Văn hóa Nhật Bản.
Ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Mi
Hội thảo đã nghe các tham luận về quyền tác giả, quyền liên quan, tăng cường bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong hoạt động quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở các nước; thảo luận về các biện pháp để xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ bản quyền tại Việt Nam một cách năng động, hiệu quả hơn.
Chia sẻ về những vấn đề cấp bách đối với quyền tác giả, quyền liên quan trong thời đại kỹ thuật số, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết, hiện đã có một số văn bản pháp quy để chế tài việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan,...Các trường hợp vi phạm trên môi trường số như dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông, mạng xã hội, dịch vụ tìm kiếm thông tin số… tác giả có thể yêu cầu dịch vụ trung gian gỡ bỏ hoặc yêu cầu thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thanh tra của bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền khác hoặc chủ động kiện ra tòa nếu cần. Ông cho biết, từ khi Chỉ thị số 04/2007/CT-TTg ngày 22/2/2007 về tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính ra đời, tỉ lệ vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này đã giảm 10%.
Theo WIPO, hiện nay ngành công nghiệp bản quyền đóng góp trung bình 5,26% GDP trên toàn thế giới. Trong đó, tỉ lệ tại các nước phát triển là 6.23%, ở các nước đang phát triển chỉ là 5.04%. Theo ông Scot Morris, Giám đốc đối ngoại – Hiệp hội Quyền biểu diễn Úc (APRA AMCOS), Chủ tịch Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương (CISAC), tại Úc, thống kê chi tiết cho thấy ngành công nghiệp dựa trên bản quyền đã tạo hơn 1 triệu việc làm, đóng góp 7.1% GDP và giá trị xuất khẩu đạt 4.8 tỉ USD, nhưng tại Việt Nam, những đóng góp của công nghiệp dựa trên bản quyền vẫn còn là một ẩn số. Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hoan cho biết: “Việt Nam chưa có số liệu thống kê về đóng góp của ngành công nghiệp dựa trên bản quyền. Hiện WIPO đang có chương trình xác định dựa trên phương pháp của WIPO để nghiên cứu khảo sát đóng góp này. Trong thời gian tới, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam sẽ cùng hợp tác với WIPO để xây dựng số liệu này”.
Hoàng Mi