SpStinet - vwpChiTiet

 

Truyền thông KH&CN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức

Ngày 6/11, tại TP. Vũng Tàu, trong khuôn khổ của hoạt động “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015”, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển truyền thông – CESTC (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo “Vai trò của truyền thông trong phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) khu vực phía Nam”. Đại diện lãnh đạo, cán bộ truyền thông các Sở KH&CN và các phóng viên báo đài của 30 tỉnh thành phía Nam đã tham dự, trao đổi về những tồn tại khó khăn của truyền thông KH&CN và đề xuất giải pháp.

Thực tiễn cho thấy, báo chí có vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền, thông tin định hướng về KH&CN. Tuy nhiên, công tác truyền thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển quan trọng của KH&CN và cũng chưa được quan tâm nhìn nhận đúng mức. Hoạt động truyền thông KH&CN hiện còn nhiều hạn chế, là điểm yếu nhất trong tổng thể hoạt động KH&CN.

Theo TS. Bùi Văn Quyền (Giám đốc Văn phòng chương trình Tây Nam Bộ), cái chính của truyền thông KH&CN là làm sao chuyển khoa học chuyên ngành thành phổ biến kiến thức. Cái khó của truyền thông KH&CN không chỉ ở tính đặc thù của ngành mà còn do yếu tố con người và ý chí làm việc này là rất quan trọng. Cần xác định truyền thông KH&CN như một dạng marketing và làm bài bản như cách marketing một sản phẩm hàng hóa ra thị trường.
 
Nguồn tri thức khoa học lớn nhất là từ các viện nghiên cứu, trường đại học nhưng thông tin vẫn còn khép kín trong phạm vi viện, trường. Thực tế, hoạt động truyền thông KH&CN của các viện, trường đang ở mức rất thấp kể cả số lượng thông tin, lực lượng thực hiện và đầu tư kinh phí. Các viện, trường chưa thực sự coi đây là kênh thông tin giới thiệu và quảng bá cho đơn vị mình cả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Viện, trường đang trong tình trạng có sản phẩm kể cả sản phẩm hữu hình và vô hình nhưng chưa biết cách giới thiệu rộng rãi, chưa biết làm thế nào để nắm bắt nhu cầu thị trường đối với loại tài sản trí tuệ có giá trị cao của mình.

Mặt khác, việc khuyến khích gửi bài đăng ở các tạp chí KH&CN quốc tế, sự mất cân bằng giữa thông tin hàn lâm và thông tin công chúng đã gián tiếp, vô tình làm giảm lượng thông tin đến với công chúng, giảm hoạt động truyền thông KH&CN nội địa. Thực tế, lượng thông tin giới thiệu, phổ biến KH&CN cho cộng đồng doanh nhân và toàn xã hội đang quá ít so với tiềm năng. Do vậy, TS. Quyền cho hay, không có gì ngạc nhiên khi nói “nông dân có sáng chế, còn các nhà khoa học đâu rồi!”.
 

TS. Bùi Văn Quyền phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LV.

 
Theo nhà báo Phạm Quốc Toàn (Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo), KH&CN có mặt ở mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống và truyền thông KH&CN cũng rất quan trọng. Tuy nhiên truyền thông lĩnh vực này tương đối khó do những đặc thù như tính phức tạp, đòi hỏi tính chính xác cao, thông tin khô khan, không dồi dào, kém hấp dẫn,… Để có một bài báo, một bản tin KH&CN hay, sinh động, hấp dẫn lôi cuốn đã rất khó, nhưng tác phẩm này cũng thường khó đăng và khi được đăng cũng không nhiều hiệu quả. Bên cạnh đó, bản thân những người có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí về KH&CN cũng còn hạn chế. Các nhà khoa học thì thường không thích giới thiệu, không muốn viết những kết quả mình đã làm. Tiếp cận nguồn thông tin đã khó, khi tiếp cận được thì những báo cáo khoa học khô khan cũng rất khó chuyển tải thành các tác phẩm báo chí đại chúng. Do vậy, người viết báo về KH&CN phải chịu nhiều thiệt thòi, khó tìm được người đam mê nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.

Một thực trạng nữa là đội ngũ phóng viên viết về KH&CN và các cơ quan báo chí về KH&CN cũng mỏng, số lượng tạp chí KH&CN được in không nhiều, manh mún, thiếu sức sống, tính lan tỏa xã hội và hiệu quả xã hội không cao. Việc in các tạp chí khá khó khăn song chủ yếu để tặng, phát hành trong ngành nên cũng thiếu tính lôi cuốn, hấp dẫn. Mặt khác, việc tổ chức mạng lưới cộng tác viên báo chí là nhà khoa học chưa tốt. Cộng tác viên giỏi khoa học nhưng không giỏi viết báo, người làm báo tốt thì kiến thức KH&CN chưa tốt, chính sách cho truyền thông KH&CN chưa được quan tâm nên mức độ hấp dẫn làm nghề hạn chế,…

Ông Phạm Quốc Toàn đề nghị cần nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí về KH&CN. Để tăng cường tính chuyên nghiệp, cần phải quan tâm chăm lo đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo, nhất là các nhà báo viết về KH&CN; quan tâm tổ chức mạng lưới, hỗ trợ về bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo cho đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực KH&CN. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo năng lực quản lý báo chí, kiến thức nghiệp vụ báo chí cho những người đứng đầu các cơ quan báo chí về KH&CN; hỗ trợ đưa báo và tạp chí về KH&CN đến các đối tượng bạn đọc cần thiết; Bộ KH&CN, các Sở KH&CN, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh cung cấp thông tin về các hoạt động thường xuyên của lĩnh vực KH&CN, những kế hoạch, chiến lược phát triển, tăng cường hoạt động đối thoại với báo chí,…

Theo TS. Bùi Văn Quyền, cần tập trung vào một số giải pháp: nâng cao nhận thức về trách nhiệm và lợi ích của hoạt động truyền thông KH&CN, phát huy trách nhiệm của 4 nhà (doanh nghiệp – người dân, nhà báo, nhà khoa học, nhà nước) trong hoạt động truyền thông KH&CN; bố trí kinh phí truyền thông cho nhiệm vụ KH&CN, quy định rõ số lượng bài phổ biến trên các phương tiện truyền thông; kết hợp hệ thống thông tin KH&CN chuyên ngành với các cơ quan truyền thông đại chúng tạo nên sức mạnh tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu và ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống; kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo chí có tinh thần khoa học để chuyển hóa thành công các thông tin KH&CN vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng,…
 

Thảo luận, đề xuất giải pháp. Ảnh: LV.
 
Các ý kiến khác tại hội thảo cũng tập trung đề xuất lãnh đạo trung ương, địa phương quan tâm hỗ trợ tạo cơ chế chính sách, kinh phí, nhân lực cho truyền thông KH&CN. Ví dụ chính sách truyền thông phải tạo động lực để cộng tác viên là nhà khoa học viết báo, đăng những tác phẩm có sức lan tỏa. Việc tổ chức giải báo chí về KH&CN cũng cần phải tính toán sao cho hấp dẫn, huy động được đông đảo lực lượng nhà báo tham gia. Hiện nay, các chuyên trang, chuyên mục KH&CN ở báo chí địa phương đã hình thành nhưng bộ phận truyền thông của các Sở KH&CN còn mỏng nên phối hợp chưa tốt. Cần đầu tư chế độ chính sách để tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nhà báo với nhà báo, nhà báo với cơ quan quản lý, nhà báo với nhà khoa học,… Thực tế có rất nhiều vấn đề phải phấn đấu, giải quyết về lâu dài, mang tính xã hội, song có những vấn đề trực tiếp liên quan yếu tố con người thì cần phải tính toán giải quyết ngay để phát triển truyền thông KH&CN.

TS. Nguyễn Xuân Toàn (Giám đốc CESTC) cho biết, những năm gần đây, mỗi năm đều có nhiều sự kiện KH&CN nổi bật như Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Hội nghị giao ban vùng, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, Lễ trao giải thưởng chất lượng quốc gia và giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị Trung tâm Ứng dụng KH&CN các tỉnh thành, Hoạt động trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ,… Hoạt động truyền thông các sự kiện này đã được quan tâm, huy động được lực lượng nhà báo viết về KH&CN, góp phần đưa ra công chúng nhiều hoạt động phong phú đa dạng của KH&CN từ trung ương đến địa phương. Qua đó cho thấy, truyền thông KH&CN đã bước đầu đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và xã hội về vai trò và tác động của KH&CN; tôn vinh các thành tựu KH&CN, các tập, cá nhân tiêu biểu trong nghiên cứu ứng dụng tại các địa phương, thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng,…

Các vấn đề tồn tại của truyền thông KH&CN sẽ được CESTC tiếp tục nghiên cứu đề xuất tháo gỡ. CESTC là cơ quan đầu mối của Bộ KH&CN luôn sẵn sàng phối hợp và mong muốn phối hợp tốt với các cơ quan Bộ KH&CN, các bộ phận truyền thông Sở KH&CN các tỉnh/thành, các đầu mối báo chí để tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ, góp phần đẩy mạnh truyền thông KH&CN. Truyền thông KH&CN vẫn còn nhiều cái khó nhưng tinh thần chính vẫn là phối hợp giữa báo chí truyền thông trung ương, báo chí truyền thông bộ ngành, báo chí truyền thông địa phương. Các hoạt động KH&CN địa phương CESTC có thể hỗ trợ kết nối báo đài trung ương, địa phương đến đưa tin viết bài. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ đầu mối truyền thông tại các Sở KH&CN địa phương vẫn còn mỏng lại không ổn định do luân chuyển công tác dẫn đến khó liên kết phối hợp. Ông Toàn cũng cho biết thêm, các ý kiến trao đổi tại hội thảo, bên lề các hoạt động TechDemo 2015 lần này sẽ được ghi nhận, tổng hợp làm cơ sở đề xuất lãnh đạo Bộ. Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động Bộ KH&CN kết hợp hội nghị giám đốc sở KH&CN vào cuối năm nay sẽ là dịp để tháo gỡ phần nào các vấn đề khó khăn về truyền thông KH&CN.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả