Ngày 4/12, tại TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Năng lượng nguyên tử tổ chức hội thảo về “Truyền thông điện hạt nhân” cho các phóng viên, biên tập viên một số cơ quan báo đài khu vực phía Nam. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai đề án “Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020”.
Hội thảo đề cập các nội dung: nâng cao nhận thức của công chúng về điện hạt nhân – phương pháp luận và thực tiễn; tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác thông tin tuyên truyền phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam; vận hành và khai thác an toàn, hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; quản lý nhà nước về an toàn, an ninh điện hạt nhân và thực tế tại Việt Nam; tình hình triển khai dự án điện hạt nhân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn (Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử), để đảm bảo an toàn, hiện nay, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã phát triển một khung chương trình điện hạt nhân. Các quốc gia muốn xây dựng hệ thống điện hạt nhân phải trải qua 3 giai đoạn với 19 vấn đề hạ tầng cần xem xét như an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, hệ thống pháp luật, nguồn nhân lực, an ninh, bảo vệ môi trường, sự tham gia của các bên liên quan,… Trong đó, công tác thông tin - tuyên truyền (nằm ở vấn đề thứ 11 - sự tham gia của các bên liên quan) phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian chuẩn bị xây dựng, xây dựng, vận hành và kể cả khi dừng vận hành nhà máy điện hạt nhân. Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, sự ủng hộ tại nơi đặt nhà máy điện hạt nhân đóng vai trò then chốt trong sự thành công của dự án.
TS. Hoàng Anh Tuấn (Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử) trình bày về tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng và công tác thông tin tuyên truyền điện hạt nhân tại Việt Nam. Ảnh: LV. Việt Nam đang ở giai đoạn thứ 2, chuẩn bị cho đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân 1, 2 tại tỉnh Ninh Thuận. Về Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó giám đốc Ban quản lý Dự án điện Hạt nhân Ninh Thuận) cho biết, nhà máy sử dụng công nghệ lò phản ứng VVER 1200 (AES-2006) của Nga. Đây là thế hệ lò hiện đại, sử dụng công nghệ an toàn chủ động và thụ động, công nghệ này đã được IAEA kiểm chứng và sắp sửa đưa vào xây dựng tại một số nước như Belarus, Trung Quốc,... Hiện tại, 244 sinh viên của Việt Nam đã được cử sang Nga để học tập. Trong tương lai, đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong quá trình vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
Thông tin tại hội thảo cho thấy, thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng cần được tiến hành một cách hệ thống, thường xuyên, lâu dài để tạo ra nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận của công chúng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền là phục vụ thực hiện thành công và đảm bảo an toàn cao nhất cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo. Tuy nhiên, công tác này đang gặp những khó khăn nhất định do lần đầu tiên Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hơn nữa đây là lĩnh vực khó, nhà báo thì thiếu thông tin, các chuyên gia điện hạt nhân thì không làm báo,… Vì vậy, cần tăng cường tập huấn cho đội ngũ phóng viên viết về điện hạt nhân, đào tạo các cán bộ truyền thông chuyên ngành điện hạt nhân, xây dựng kế hoạch truyền thông theo từng năm,…
Ngày 28/2/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 370/QĐ-TTg (Đề án 370). Đề án do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, ban, ngành trung ương và tỉnh Ninh Thuận thực hiện. Mục tiêu chung của Đề án là tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và về yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh, góp phần duy trì và nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công và đảm bảo an toàn, an ninh của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như cho phát triển điện hạt nhân một cách bền vững ở Việt Nam.
Lam Vân