SpStinet - vwpChiTiet

 

“Hiện chưa trồng rộng rãi cây biến đổi gen tại Việt Nam"

Là phát biểu của TS. Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM tại buổi báo cáo “Nghiên cứu ứng dụng cây trồng biến đổi gen phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp" vào ngày 28/8/2015 tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Sinh vật biến đổi gen (BĐG) (cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật) là các sinh vật được cải biến di truyền bằng kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại. Sản phẩm này đã và đang gây tranh cãi kéo dài suốt 20 năm qua về lợi ích và tác hại. Trong buổi báo cáo, các đại biểu cũng có những phát biểu về sự lo ngại đối với khả năng gây ung thư của thực phẩm BĐG, khả năng xuất hiện siêu sâu do cây trồng BĐG, khả năng gen BĐG bị trôi sang cây khác. Tuy nhiên, TS. Dương Hoa Xô cho biết các lo ngại này không có chứng cứ vững chắc. Chẳng hạn như khả năng gây ung thư của thực phẩm BĐG dựa trên một nghiên cứu đã bị thu hồi do quá trình nghiên cứu có vấn đề, và hiện nay cũng chưa có bất kì công bố nào khác chứng minh thực phẩm BĐG có thể gây ung thư. Ông cũng cho biết thêm, phân tích tổng thể trên 147 nghiên cứu về cây trồng chuyển gen được công bố trong 20 năm qua cho thấy, cây trồng chuyển gen đã đem lại nhiều lợi ích. Từ năm 1995 đến năm 2014, nhờ kỹ thuật chuyển gen, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đã giảm 37%, năng suất cây trồng tăng 22%, lợi nhuận cho nông dân tăng 68%, hiệu quả sản xuất cây trồng tăng giá trị 133,3 tỷ USD cho thời kỳ 1996 – 2013.
 
TS. Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM
trình bày tại buổi báo cáo. Nguồn: Hoàng Mi
Do tiềm năng lớn của cây trồng BĐG, thế giới đã có nhiều nghiên cứu và sáng chế về BĐG. Theo khảo sát tình hình đăng ký sáng chế dựa trên CSDL Thomson Innovation về nghiên cứu và ứng dụng cây trồng BĐG do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM thực hiện, hiện có hơn 22.000 sáng chế nộp đơn đăng ký bảo hộ về vấn đề này. Khu vực châu Á chiếm 26% tổng lượng sáng chế đăng ký bảo hộ trên toàn thế giới, bao gồm 11 quốc gia: Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Việt Nam, Philippine, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Malaysia. Lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tập trung chủ yếu về nhóm đậu tương và ngô BĐG. Nhóm sáng chế tập trung vào kỹ thuật di truyền trong việc tạo cây trồng BĐG chiếm đến 44% lượng sáng chế. Hiện tại Việt Nam có 14 sáng chế về cây ngô BĐG và 4 sáng chế về đậu tương BĐG được nộp đơn đăng ký bảo hộ. 
 
Tình hình đăng ký bảo hộ sáng chế về BĐG trên thế giới theo thời gian.
Nguồn: P.CCTT - CESTI

Năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia tiếp theo trồng đại trà ngô BĐG có khả năng kháng sâu.  Theo Chương trình trọng điểm Phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, đến năm 2020 “Diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng các giống cây BĐG chiếm 30-50%”. 3 giống cây được quan tâm đưa vào sản xuất là ngô, bông, đậu tương, trong đó ngô là giống cây đang được khảo nghiệm và trồng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là một lĩnh vực mới và còn có nhiều tranh cãi nên việc phổ biến cây trồng BĐG đến hiện tại vẫn còn rất thận trọng. Theo TS. Dương Hoa Xô, hiện tại chỉ có 7 sự kiện cây trồng BĐG tại Việt Nam. Ông cho biết: “Để một sản phẩm BĐG được trồng tại Việt Nam cần qua rất nhiều bước và nhiều cơ quan thẩm tra. Do đó, ngay cả những sản phẩm đang được thương mại ở các nước láng giềng như sản phẩm đu đủ BĐG tại Philippine cũng sẽ cần ít nhất từ 4 đến 5 năm qua thời gian khảo nghiệm cho đến khi được chính thức trồng thương mại ở Việt Nam”.

Đây là đề tài khá nóng, thu hút gần 100 đại biểu từ các Sở ngành, cơ quan nghiên cứu và viện, trường tham dự.

Nguồn: Hoàng Mi

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả