SpStinet - vwpChiTiet

 

Cơ chế thỏa thuận tự nguyện: thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả

Ngày 25/11, tại TP.HCM, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo triển khai “Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ)” nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng TK&HQ trong sản xuất và thực thi các quy định của nhà nước về sử dụng năng lượng.

Chương trình được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), thuộc khuôn khổ dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” (CPEE), nhằm thúc đẩy hoạt động TK&HQ năng lượng trong công nghiệp ở Việt Nam.

Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có nguyện vọng xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lương TK&HQ trong sản xuất lâu dài và bề vững. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, quảng bá thương hiệu, kiểm toán năng lượng hoặc đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng năng lượng TK&HQ. Đồng thời được xét tặng cúp doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp sử dụng năng lượng TK&HQ; được hỗ trợ xây dựng kế hoạch về sử dụng năng lượng TK&HQ trung và dài hạn, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Thời gian thực hiện chương trình là 2 năm kể từ khi doanh nghiệp ký thỏa thuận tự nguyện với Tổng cục Năng lượng.

Theo đại diện Tổng cục Năng lượng, cơ chế thỏa thuận tự nguyện là một công cụ chính sách nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng (TKNL), giảm phát thải khí nhà kính, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thiết lập các mục tiêu và thực hiện TKNL, giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó còn có một số hình thức khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng TK&HQ như: doanh nghiệp thực hiện các giải pháp TKNL sẽ được hỗ trợ vay vốn và thưởng tối đa đến 30% khoản vốn vay, được tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ lập hồ sơ,… khi tham gia dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực TKNL (LCEE)”; dự án “TKNL trong các ngành công nghiệp Việt Nam” (VEEIEs) sẽ cung cấp nguồn vay 200 triệu USD trong trung và dài hạn cho các doanh nghiệp công nghiệp thực hiện TKNL; Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) với nguồn vốn khoảng 1000 tỷ đồng, hỗ trợ tài chính cho các dự án, các hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc, trong đó có triển khai công nghệ sạch, thân thiện môi trường, TKNL, sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường.

Theo ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc Trung tâm TKNL TP.HCM), chương trình thỏa thuận tự nguyện sẽ mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích lâu dài và bền vững. Bên cạnh việc được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng, các nhu cầu về đầu tư, đổi mới công nghệ cũng được Bộ Công thương ưu tiên, xem xét trong gói hỗ trợ của chương trình. Việc tiết giảm năng lượng sử dụng thông qua các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, cải thiện quy trình giám sát, quản lý đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi nó giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Để tham gia chương trình, doanh nghiệp sẽ trải qua 6 bước: đăng ký tham gia; kiểm toán năng lượng; xác định mục tiêu, giải pháp; thống nhất các điều khoản; ký thỏa thuận; tổ chức thực hiện.

Các doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ trực tiếp tại: Ban quản lý Dự án TKNL và Sản xuất sạch hơn (91 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: (04) 3938 7835; Web: www.cpee.vn; Email: [email protected]) hoặc Trung tâm TKNL TP.HCM (244 Điện Biên Phủ, Q3; Điện thoại: (08) 3932 2372; Fax: (08) 3932 2373; Web: www.ecc-hcm.gov.vn; Email: [email protected], [email protected]).
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả