SpStinet - vwpChiTiet

 

Giai đoạn 2011-2015 tiết kiệm gần 6% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia

Ngày 30/10, tại TP.HCM, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức hội nghị 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) giai đoạn 2011-2015 (VNEEP II).

Theo ông Trịnh Quốc Vũ (Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương), qua 5 năm (giai đoạn 2011-2015) triển khai chương trình, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm đạt 5,96% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia với mức năng lượng tiết kiệm được là 11.880 KTOE (năng lượng quy đổi ra theo đơn vị tấn dầu).

Kết quả này có sự đóng góp chung từ 4 dự án mà VNEEP II đã triển khai: truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng TK&HQ; thúc đẩy thị trường thiết bị hiệu suất cao – chương trình dán nhãn năng lượng; sử dụng năng lượng TK&HQ trong các tòa nhà; thúc đẩy TKNL trong ngành giao thông vận tải. Về dán nhãn năng lượng, khảo sát từ thị trường cho thấy, lượng bán ra của các thiết bị như máy thu hình, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện,… có dán nhãn năng lượng chiếm 90% tổng sản phẩm bán ra trên thị trường. Trong 1,4 triệu bộ điều hòa không khí tiêu thụ trên thị trường năm 2014, có 30% điều hòa sử dụng công nghệ inverter. Đến hết tháng 9/2015, đã có 15 chủng loại sản phẩm và 10.082 mã sản phẩm được dán nhãn năng lượng. Theo tính toán, với 7 sản phẩm gia dụng dán nhãn, lượng điện tiết kiệm của khu vực dân dụng sẽ tăng từ 0,3% năm 2013 lên 3,1% năm 2015, dự tính đạt 10,5% vào năm 2020 và gần 30% vào năm 2030.

Về tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà, Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa nội dung dự thảo các quy định về chiếu sáng công cộng để TKNL. Với ngành giao thông vận tải, đã xây dựng ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng TK&HQ cho phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quy trình về dán nhãn năng lượng đối với ô tô dưới 7 chỗ ngồi,...

Tuy nhiên, ông Vũ cho biết, chương trình còn gặp khó khăn về kinh phí, nguồn ngân sách cấp cho chương trình hàng năm thường muộn và còn thấp. Tổng kinh phí từ ngân sách cấp để thực hiện chương trình tính đến hết năm 2015 là 349 tỷ đồng trong khi đối tượng trong khuôn khổ chương trình rất rộng và đa dạng. Cộng đồng và doanh nghiệp chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp TKNL; doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL. Bên cạnh đó, lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng thử nghiệm, nhân lực và kinh phí triển khai hạn chế, thiếu hụt và thiếu đồng bộ các tiêu chuẩn, thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng; nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình chưa thật sự chủ động, tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao,…

Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM) cho biết, hoạt động TKNL tại TP.HCM gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh của thành phố. UBND TP.HCM đã giao chỉ tiêu TKNL cho các đơn vị trên địa bàn, trong đó có 117 doanh nghiệp thực hiện xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng 2015; 952 doanh nghiệp thực hiện giải pháp TKNL 2015 với tổng điện năng tiết kiệm gần 43,5 triệu kWh/năm và 456.508 lít dầu/năm. Giai đoạn 2016-2018, TP.HCM sẽ giảm 4,5% cường độ năng lượng, tương đương mỗi năm giảm 1,5%, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ thương mại, giao thông vận tải, cấp thoát nước, bệnh viện, trường học,…

Từ thành công của chương trình máy nước nóng năng lượng mặt trời cho quy mô hộ gia đình mà Trung tâm TKNL TP.HCM đã triển khai cho thấy tiềm năng thực hiện chỉ tiêu về năng lượng tái tạo của TP.HCM. Theo đó, giai đoạn 2016-2018 TP.HCM sẽ tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo từ các loại hình điện mặt trời, máy nước nóng năng lượng mặt trời, khí sinh học biogas, gió, xử lý rác phát điện. Tuy nhiên, theo ông Tước, cần xây dựng các chỉ tiêu cụ thể về góc độ TKNL để có thể đáp ứng các chỉ tiêu tăng trưởng xanh; có hệ thống cơ sở dữ liệu để thực hiện đánh giá toàn diện các lĩnh vực sử dụng năng lượng trên 1 địa bàn tỉnh/thành để từ đó đề xuất các chỉ tiêu dài hạn; cần có các hỗ trợ về mặt chủ trương chính sách từ cấp chính quyền địa phương trong việc hình thành các chương trình, chiến lược thực hiện TKNL, ứng dụng năng lượng tái tạo trên diện rộng ở địa phương,…
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả