SpStinet - vwpChiTiet

 

Liên kết để doanh nghiệp phát triển bền vững bằng khoa học và công nghệ

Ngày 11/12, tại TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp” nhằm giới thiệu đến doanh nghiệp (DN) tiềm lực nghiên cứu, nguồn công nghệ sẵn sàng chuyển giao của ĐHQG TP.HCM; mô hình hợp tác giữa ĐHQG TP.HCM và DN trong hoạt động nghiên cứu và làm chủ công nghệ; các kênh tài chính hỗ trợ DN đổi mới công nghệ.

Theo PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM), năm 2015 chuẩn bị khép lại với những chuỗi sự kiện hết sức quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập và tham gia Hiệp định thương mại tự do thương mại ASEAN (AFTA); các Hiệp định thương mại tự do giữa giữa ASEAN với các đối tác (FTA); Hiệp định thương mại Việt Nam – Châu Âu (EVFTA); Hiệp định TPP,... Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội trong quá trình hội nhập, Việt Nam cần vượt qua những thách thức hết sức nặng nề mà trong đó khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò cốt lõi, trở thành yếu tố cơ bản trong lộ trình xây dựng phát triển kinh tế của quốc gia.

ĐHQG TP.HCM với hệ thống gồm 6 trường đại học thành viên, 2 viện nghiên cứu, 4 trung tâm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong những năm qua đã thực hiện tốt việc phát triển và ứng dụng KH&CN, từng bước thực hiện đầu tư và phát triển hệ thống cơ sở vật chất phuc vụ nghiên cứu khoa học (NCKH). Hiện ĐHQG TP.HCM có hơn 60 phòng thí nghiệm trong các lĩnh vực, trong đó có 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQG và 2 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia. Tiềm lực con người của ĐHQG TP.HCM ngày càng lớn mạnh với hơn 3.500 cán bộ giảng dạy và NCKH, trong đó số cán bộ đạt trình độ tiến sĩ hơn 1.250, giáo sư và phó giáo sư hơn 350, cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành, có uy tín lớn ở trong và ngoài nước. Song song với việc xây dựng tiềm lực về cơ sở trang thiết bị và con người, ĐHQG TP.HCM cũng xây dựng các chiến lược NCKH ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế quốc gia như công nghệ chế tạo, KH&CN vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, khoa học sức khỏe, môi trường, tế bào gốc.

PGS.TS. Huỳnh Quyền (Phó Trưởng ban KH&CN ĐHQG TP.HCM) cho biết, kinh nghiệm từ những quốc gia phát triển cho thấy, KH&CN luôn luôn đóng vai trò và động lực phát triển kinh tế quốc gia và việc đưa KH&CN vào thực tiễn sản xuất luôn phải có sự đồng hành của 3 nhà (nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp). Thực tế hiện nay, sự phối hợp ba nhà còn ở mức độ hạn chế, mối liên kết của ba nhà chưa thực sự đi vào chiều sâu và đồng bộ trong việc thức đẩy ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Đây cũng là một trong những khó khăn mà ĐHQG TP.HCM cần được sự phối hợp và đồng hành từ DN, Bộ KH&CN.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công, những khó khăn trong quá trình đổi mới của DN, những vướng mắc trong việc nghiên cứu và đưa kết quả nghiên cứu vào triển khai thực tế,… để từ tìm giải pháp hình thành được mối liên kết 3 nhà cho một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển bền vững bằng KH&CN. Đồng thời các kênh tài chính hỗ trợ DN đổi mới công nghệ cũng được giới thiệu như: dự án “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ; chương trình “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam (IBA Việt Nam” của Tổ chức Phát triển Hà Lan; Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả