Với ưu thế về tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ưu thế về thị trường và tiêu thụ sản phẩm, sự tham gia của doanh nghiệp là yếu tố bảo đảm thành công của quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Việc chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp tới nông dân thông qua các chương trình, dự án do các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống nông dân. Tuy vậy, những bất cập trong phương thức chuyển giao khiến hiệu quả bị hạn chế.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị về đầu tư và thương mại hóa sáng chế phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tô Thảo
Sản xuất manh mún, giá trị thấp
Nông thôn Việt Nam trải rộng trên địa bàn lớn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau. Các vùng sản xuất có sự khác biệt lớn về địa hình và khí hậu, với nhiều tiểu vùng có nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa chênh lệch rõ rệt. Nhiều vùng thường xuyên gặp điều kiện thời tiết bất lợi như bão, lũ... Mỗi vùng nông nghiệp có điều kiện đất đai khác nhau cả về nguồn gốc phát sinh, đặc điểm lý, hóa, sinh cũng như khả năng sử dụng đất.
Sự chênh lệch điều kiện kinh tế giữa các vùng (đồng bằng, trung du, miền núi...) ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp nhận công nghệ, đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật của việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Để chuyển giao thành công cần có những chính sách đặc thù, cơ chế động viên và phương pháp phù hợp các vùng, miền khác nhau.
Một thử thách nữa là cơ sở hạ tầng ở nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vật tư, sản phẩm đến các vùng sản xuất nông nghiệp. Ðây là hạn chế lớn trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các vùng sản xuất hàng hóa. Hệ thống điện, thủy lợi, cơ sở dịch vụ kỹ thuật thiếu đồng bộ. Do đó, việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hiệu quả và khả năng nhân rộng thấp.
Việt Nam có chủng loại cây trồng rất phong phú, bao gồm cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả. Rừng Việt Nam đa dạng chủng loại cây lấy gỗ và cây ngoài gỗ, cây bản địa và cây nhập nội. Điều này đòi hỏi cán bộ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có kiến thức rộng, sâu về nhiều loại cây.
Đất sản xuất bị chia nhỏ (7 triệu hécta đất cho 11 triệu hộ dân) là một khó khăn nữa cho việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do trên một vùng đất có nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Nền nông nghiệp tiểu nông của Việt Nam cho năng suất thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản phẩm chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm, ít được chế biến sâu; giá trị và hiệu quả kinh tế thấp nên khó đầu tư đổi mới công nghệ.
Đối tượng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật chủ yếu là nông dân, trình độ hạn chế, ít khả năng tự đổi mới công nghệ. Do vậy, việc lựa chọn, tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật của họ rất cần sự tư vấn của cơ quan chuyển giao, sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Mặt khác, thị trường công nghệ trong nông nghiệp chưa phát triển. Các công nghệ trong lĩnh vực này, bao gồm các tiến bộ kỹ thuật, các quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... đều có tính đặc thù cao. Vì thế, có những công nghệ phù hợp với vùng này nhưng không phù hợp với vùng khác và khó giữ được bản quyền khi chuyển giao vào sản xuất.
Vai trò quan trọng của doanh nghiệp
Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cần sự kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng mô hình với đào tạo cán bộ kỹ thuật và đào tạo nông dân, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, cho nông dân. Tuy nhiên, để mô hình bền vững, có thể mở rộng thành sản xuất đại trà thì cần có các cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ, đặc biệt là phải tập huấn cho cán bộ cơ sở và nông dân. Cán bộ chuyển giao phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là phải có kiến thức bản địa.
Sự tham gia của doanh nghiệp là yếu tố bảo đảm thành công của quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp có ưu thế về tài chính để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của việc tiếp nhận những công nghệ mới, tiên tiến. Mặt khác, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Để lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật phù hợp, lựa chọn đúng địa bàn, đối tượng tiếp nhận, đơn vị chuyển giao thì cần phải có kế hoạch và phương pháp chuyển giao phù hợp, cần nắm vững đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, đánh giá đúng những thành tựu và tồn tại ở nông thôn.
Nguồn: khoahocphattrien.vn