Công bố khảo sát và vinh danh nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2015
11/03/2016
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 11/3/2016, Mạng Cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com phối hợp với Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen tổ chức công bố khảo sát và vinh danh nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2015. Unilever tiếp tục năm thứ 3 được người đi làm bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.
Ngoài Unilever, buổi lễ đã vinh danh 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2015, với các vị trí cao tiếp tục thuộc về các công ty Vinamilk, Nestle Vietnam, P&G Vietnam, IBM Vietnam, Microsoft Vietnam, PepsiCo, Viettel,… Khảo sát cũng đưa ra 24 vị trí đứng đầu của hạng mục nơi làm việc tốt nhất theo ngành nghề như: Microsoft đứng đầu ngành công nghệ phần mềm/thuê ngoài; IBM đứng đầu ngành hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin; Abbott đứng đầu ngành dược/công nghệ sinh học/chăm sóc sức khỏe; Bosch đứng đầu ngành kỹ thuật/cơ khí công nghiệp; Petro đứng đầu ngành dầu khí/năng lượng; Cargill đứng đầu ngành nông lâm nghiệp/thức ăn chăn nuôi,…
Unilever năm thứ 3 liên tiếp được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Ảnh: LV. Buổi lễ cũng vinh danh những thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất theo nhóm tiêu chí. Trong đó, Vinamilk được bình chọn là thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất ở tiêu chí lương, thưởng, phúc lợi; Nestlé dẫn đầu về tiêu chí văn hóa và giá trị; Unilever hấp dẫn nhất ở tiêu chí đội ngũ lãnh đạo và cơ hội phát triển,… Đặc biệt, năm nay có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, với 22 doanh nghiệp (năm 2014 là 17 doanh nghiệp).
Cuộc khảo sát được Anphabe và Nielsen tiến hành từ tháng 9-12/2015 với sự tham gia của 22.688 đáp viên thuộc 24 ngành nghề trên toàn quốc. Đây là năm thứ 3 khảo sát được tổ chức nhằm giúp đo lường các xu hướng mới để hỗ trợ tốt hơn cho chiến lược nhân tài ở các doanh nghiệp.
Theo phân tích từ khảo sát, một số xu hướng quan trọng được ghi nhận là các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người đi làm. Các mục tiêu nghề nghiệp được lựa chọn nhiều nhất là cân bằng công việc và cuộc sống, công việc ổn định và đảm bảo, thăng tiến trên nấc thang sự nghiệp, được đào tạo và nền tảng phát triển. Về xu hướng dịch chuyển nhân sự, tỷ lệ nghỉ việc năm nay dự đoán là 9%, trong đó nghỉ việc ở nam cao hơn nữ, cấp quản lý nhiều hơn nhân viên và tập trung ở khu vực phía Nam; 3 ngành có tỷ lệ nghỉ việc nhiều nhất là sản xuất/hóa chất, hàng tiêu dùng nhanh, dịch vụ/tư vấn. Các nguyên nhân khiến người đi làm Việt Nam áp lực nhất là lo lắng tài chính tương lai, công việc quá tải và cơ hội phát triển không rõ ràng. Một doanh nghiệp có thương hiệu nhà tuyển dụng khỏe mạnh là công ty có nhân viên gắn kết và yêu mến, đồng thời hấp dẫn được nhân tài bên ngoài.
Lam Vân