Đây là nhận định của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ trong buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ, chủ đề “Xu hướng đốt chất thải phát điện” do Trung tâm Thông tin KH&CN TP.HCM tổ chức ngày 21/7/2016. Thông tin từ buổi báo cáo cho thấy, đốt chất thải rắn (CTR) có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, cung cấp lượng nhiệt và điện đáng kể. Tại Việt Nam, vấn đề đốt chất thải gần đây cũng rất được quan tâm với hàng loạt nhà máy và dự án cho khả năng cung cấp điện lên đến 5 MW/ngày. Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong việc tiêu hủy rác bằng phương pháp đốt, với sản lượng lên đến 32 triệu tấn/năm, chiếm 72% tổng lượng CTR. Tiếp theo là các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, tiêu hủy 55–65% lượng CTR hàng năm bằng phương pháp này.
Lý giải về điều này, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung Tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) cho biết, công nghệ đốt chất thải ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác như: giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp,...nên tại nhiều nước châu Âu có quỹ đất hạn hẹp, cần phải bảo vệ tầng nước ngầm nghiêm ngặt, lượng CTR được xử lý bằng phương pháp đốt chiếm ưu thế.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ tại buổi báo cáo. Ảnh: H.M.
Theo phân tích xu hướng nghiên cứu công nghệ đốt chất thải phát điện trên cơ sở sáng chế (SC) quốc tế của Trung tâm Thông tin KH&CN TP.HCM, từ đầu thập niên 80 đã có đơn đăng ký bảo hộ SC về đốt chất thải phát điện. Từ đó đến nay đã có 277 sáng chế về vấn đề này. Trong đó, hướng nghiên cứu về thiết kế lò đốt chất thải phát điện đang được quan tâm nhiều nhất, chiếm 61% tổng lượng SC. Kế tiếp là hướng nghiên cứu về thiết bị thu hồi nhiệt, chuyển hóa thành điện năng chiếm 31% và hướng nghiên cứu về phương pháp xử lý chất thải chiếm 23%. Nhìn chung, tình hình nộp đơn đăng ký SC về công nghệ, thiết bị đốt chất thải phát điện có xu hướng tăng dần theo thời gian, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2000 trở đi, cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều trên thế giới về vấn đề này.
Ngoài ra, để giới thiệu rõ hơn về công nghệ đốt CTR, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ cho biết, hiện có 9 loại lò đốt đang được sử dụng để đốt chất thải như: lò đốt nhiều cấp, lò đốt tầng sôi, lò đốt nhiều tầng,…với những ưu nhược điểm riêng. Nhiệt được sản xuất bởi một lò đốt có thể được sử dụng để tạo ra hơi nước mà sau đó có thể được sử dụng cho tuabin để phát điện. Điển hình, năng lượng ròng có thể sản xuất từ mỗi tấn rác thải đô thị là khoảng 2/3 MWh điện và 2 MWh cho sưởi ấm. Như vậy, đốt khoảng 600 tấn chất thải mỗi ngày sẽ sản xuất ra được khoảng 400 MWh điện.
Thông tin từ chương trình báo cáo cũng cho thấy, hàng năm, Việt Nam có trên 300 triệu tấn CTR, trong đó CTR sinh hoạt vào khoảng 19 triệu tấn; từ các KCN khoảng 6-7,5 triệu tấn; khoảng 60-150 triệu tấn sinh khối nông nghiệp; từ thủy sản khoảng trên 2 triệu tấn/năm; từ hoạt động chăn nuôi khoảng 232,4 triệu tấn. Tuy nhiên, công nghệ xử lý CTR còn lạc hậu và có tới 85% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Cũng theo báo cáo, trên cả nước có khoảng 50 lò đốt CTR sinh hoạt, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất xử lý dưới 500kg/giờ.
Hiện có một số dự án đốt chất thải phát điện được tiến hành, như dự án hệ thống xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại để phát điện tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội có công suất 75 tấn/ngày, định mức phát điện 1.930 kW, hoàn thành vào cuối năm 2014; nhà máy xử lý rác thải 300 tấn/ngày và phát điện 5 MW/ngày tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, đã đi vào hoạt động quý III/2014. Ngoài ra, nhà máy xử lý rác Phương Đình, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội có công suất 200 tấn/ngày, công suất thiết kế từ 4-5MW và Dự án xử lý rác thải áp dụng công nghệ cao tại Thanh Hóa có khả năng xử lý 180 tấn rác/ngày cũng đang trong quá trình xây dựng.
Tại TP. HCM, Công ty TNHH Kobelco Eco-Solution Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu dự án có công suất tối đa là 500 tấn CTR đô thị/ngày để tạo ra 8MW điện, dự kiến đặt tại Khu phức hợp quản lý CTR Tây Bắc, huyện Củ Chi. Công ty Cổ phần Hitachi Zosen cũng tiến hành dự án xử lý CTR đô thị để phát điện có công suất xử lý tối đa là 1.000 tấn/ngày, tạo ra 16MW điện năng, dự kiến đặt tại khu phức hợp quản lý CTR Tây Bắc, huyện Củ Chi hoặc Khu phức hợp xử lý CTR Đa Phước, huyện Bình Chánh.
TPGS.TS. Phùng Chí Sỹ cũng cho biết, do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa xẩy ra với tốc độ cao, khối lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều, đang tạo áp lực rất lớn đối với môi trường. Nhưng mặt khác, CTR lại là nguồn tài nguyên tái tạo có thể đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Việc khai thác để biến CTR trở thành nguồn tài nguyên quý giá cũng trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam.
Hoàng Mi