Theo thông điệp chính của Báo cáo Việt Nam 2035, phấn đấu đến năm 2035, Việt Nam sẽ là một nước có thu nhập trên trung bình với GDP bình quân đầu người là 22 ngàn USD, tiến tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Nhằm tìm kiếm biện pháp hiệu quả để thực hiện mục tiêu này, ngày 16/6/2016, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế".
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.M.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, riêng trong năm 2015, khu vực kinh tế tư tư nhân đóng góp 59,5% GDP của thành phố và 12,5% thu ngân sách của thành phố. Tuy nhiên, hiện khu vực kinh tế tư nhân còn ở quy mô nhỏ, hầu hết các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ. Thành phố đang tiến hành nhiều biện pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính, liên kết vùng, hợp tác quốc tế,...để thúc đẩy phát triển Ông kỳ vọng, thông tin trong hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý giá để Thành phố hoạch định chính sách trong tương lai.
Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, sáng kiến về công nghệ kinh doanh toàn cầu như năng lượng mặt trời, in 3D, robot, trình tự gene,… đặt ra cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Thêm thách thức cho khu vực kinh tế Việt Nam trong vòng 20 năm nữa là sự già hóa nhanh của dân số, dự kiến số người già phụ thuộc tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu, mức tăng năng suất của Việt Nam đang trên đà giảm xuống từ năm 1993 đến nay. Ví dụ ở ngành chế tạo, từ mức tăng 7,1% giai đoạn 1990–2000, chỉ tăng 2,1% giai đoạn 2000–2013. Mặc dù tăng trưởng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cao hơn đáng kể so với Trung Quốc nhưng hiện tượng giảm tỉ lệ tăng này vẫn đang diễn ra.
Thảo luận cùng các chuyên gia tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Mi
Theo bà Phạm Chi Lan, mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc hạ đóng góp của nông nghiệp từ 70% xuống 20% và thu hút vốn trong những năm vừa qua, các yếu tố này trong thời gian tới sẽ không còn như trước. Ngoài ra, hệ thống đổi mới sáng tạo hiện còn nhiều yếu kém; tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu vẫn đang là 2/4 nỗi lo của Việt Nam về kinh tế. Ngành nông nghiệp còn tập trung đầu tư quá nhiều vào lúa gạo, giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo, sự yếu kém trong đổi mới công nghệ,… làm tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp giảm xuống. Bà nhấn mạnh, Việt Nam cần chú trọng đổi mới sáng tạo và tăng trưởng xanh để đạt được mục tiêu của khát vọng Việt Nam 2035.
Hoàng Mi