Đối với ngành Xây dựng, khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, đặc biệt góp phần rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành công trình.
Ông Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết như trên tại buổi làm việc giữa Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội do đồng chí Phùng Đức Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban, KH,CN&MT làm Trưởng đoàn với Bộ Xây dựng về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ (CGCN) và góp ý Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) diễn ra mới đây.
KH&CN góp phần nâng cao chất lượng công trình
Báo cáo về tình hình ứng dụng, CGCN trong lĩnh vực xây dựng và góp ý cho dự thảo Luật, ông Lê Trung Thành đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của KH&CN trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với ngành Xây dựng, KH&CN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, đặc biệt góp phần rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành công trình.
Ông Thành cho biết, hiện nay tình hình ứng dụng, CGCN trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu là hoàn thiện quá trình chuyển đổi từ hợp tác với các chuyên gia, tư vấn nước ngoài và trong nước sang giai đoạn các kỹ sư, chuyên gia, công nhân hoàn toàn làm chủ việc ứng dụng sau CGCN, dây chuyền sản xuất; nghiên cứu phục vụ ứng dụng, CGCN đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và định hướng phát triển xây dựng do các tổ chức hoạt động khoa học thực hiện.
Một số hình thức ứng dụng, CGCN phổ biến như ứng dụng công nghệ mới thông qua áp dụng quy trình sản xuất, tiêu chuẩn nước ngoài. Đây là hình thức phổ biến, phát huy hiệu quả tốt hiện nay; mua sắm, đổi mới máy móc thiết bị gắn liền CGCN; công nghệ thi công mới được chuyển giao theo các dự án đầu tư xây dựng do các tổng thầu nước ngoài thực hiện, trong đó các nhà thầu Việt Nam làm thầu phụ và tiếp thu làm chủ công nghệ; công nghệ mới được du nhập thông qua hình thức các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp trong nước thành lập công ty tại Việt Nam để ứng dụng, CGCN vào Việt Nam; ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học cho các công ty.
Thời gian gần đây, ứng dụng, CGCN trong xây dựng diễn ra sôi động và ngày càn trở thành tiền đề tất yếu, sống còn để các doanh nghiệp có thể tồn tại, duy trì được năng lực cạnh tranh trong dài hạn, bứt phá phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, ông Thành nói.
Các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ nhiều công nghệ trong thiết kế, thi công nhà cao tầng, các công trình giao thông, thủy lợi, các công trình công nghiệp có quy mô lớn và các công trình đặc biệt khác. Nhiều nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã được thực hiện trong các lĩnh vực nền móng, trắc địa công trình; gia cố nền đất yếu, cọc, hồ đào; công trình ngầm, độ nghiêng nhà siêu cao tầng; công nghệ thi công kết cấu nhịp lớn; ứng suất trước kết cấu bê tông cốt thép; phòng chống cháy, động đất, gió bão cho nhà và công trình; công nghệ thi công bê tông mặt đường, bê tông khí, bê tông đầm lăn; bê tông và vữa đặc biệt, nghiên cứu bê tông cốt sợi thép siêu mảnh sử dụng cho các kết cấu thành vỏ mỏng,… Các kết quả trong lĩnh vực công nghệ xây dựng đã trực tiếp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với hàng ngàn các công trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: năng lượng, nhà ở, đô thị, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Trong đó, phải kể đến các công trình thủy điện quy mô lớn như thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu với việc làm chủ công nghệ thi công bê tông đầm lăn của Tổng Công ty Sông Đà, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Nhiệt điện Thái Bình 2, Lọc dầu Nghi Sơn… đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, việc ứng dụng KH&CN thúc đẩy tăng năng suất lao động trong sản xuất vật liệu xây dựng và tạo ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng tính năng cao, thân thiện môi trường. Lĩnh vực vật liệu xây dựng có tỷ trọng lớn về đổi mới công nghệ, cơ bản đáp ứng thị trường trong nước và một phần xuất khẩu. Một số sản phẩm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Trong năm 2016, sản xuất được khoảng 76 triệu tấn xi măng, 24,6 tỷ viên gạch các loại, 520 triệu m2 gạch ốp lát các loại, 167 triệu m2 kính xây dựng, 12,9 triệu sản phẩm sứ xây dựng,… Các sản phẩm vật liệu xây dựng áp dụng KH&CN mới tạo dựng được thương hiệu, chất lượng trong nước và quốc tế. Kính tiết kiệm năng lượng low-e, gạch bê tông nhẹ ACC được nghiên cứu phát triển, lắp đặt dây chuyền sản xuất tại Tổng công ty Viglacera. Nghiên cứu ứng dụng thanh polyme cốt sợi thủy tinh chống ăn mòn, dùng cho các công trình ven biển,…
Cung cấp thêm thông tin, lãnh đạo Viện KHCN Xây dựng cho biết, xu thế sử dụng phụ, phế phẩm và chất thải rắn (CTR) đang ngày càng được chú trọng và ưu tiên nghiên cứu ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Xu hướng phổ biến là xử lý và tái chế CTR để sản xuất cốt liệu cho bê tông, vữa xi măng, gạch không nung; sử dụng CTR và phụ, phế phẩm công nghiệp để làm vật liệu gia cố tăng cường cho kết cấu áo đường.
Ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN cung cấp thêm thông tin cho doanh nghiệp
Với lĩnh vực cơ khí xây dựng, hàng loạt sản phẩm cơ khí đã được chế tạo và lắp đặt trong dây chuyền công nghệ của nhà máy. Dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clinker/ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hóa” được triển khai theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ KH&CN, do Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam chủ trì thực hiện với 8 đề tài nghiên cứu được triển khai một cách đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, thiết kế công nghệ, thiết kế chế tạo,…
Hoạt động CGCN sẽ tốt hơn khi Luật CGCN (sửa đổi) ban hành
Ông Lê Trung Thành cho biết, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã tham gia các phiên họp, hội thảo góp ý do UBKH,CN&MT, Bộ KH&CN tổ chức. Với Dự thảo lần này, Bộ Xây dựng góp ý Ban soạn thảo nghiên cứu việc đưa ra quy định mới về việc bắt buộc phải đăng ký đối với các loại CGCN thuộc danh mục khuyến khích và các công nghệ không thuộc danh mục hạn chế chuyển giao; xem xét thêm việc quy định các tổ chức KH&CN công lập phải thành lập bộ phận hỗ trợ CGCN (trung tâm CGCN) như thế nào cho phù hợp với chính sách về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN theo Nghị định của Chính phủ;…
Theo lãnh đạo Viện KHCN Xây dựng, có thể nói, ngành Xây dựng (đô thị, nhà ở và các công trình kết cấu hạ tầng,…) đạt được những thành tựu như ngày nay là nhờ một phần quan trọng vào việc ứng dụng, CGCN đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, hiệu quả với những cải tiến thích hợp với điều kiện của Việt Nam. Sau khi Luật CGCN (sửa đổi) được ban hành, chắc chắn hoạt động CGCN sẽ tốt hơn, việc phát triển thị trường công nghệ, trong đó có công nghệ xây dựng sẽ có những chuyển biến nhanh hơn.
Tại buổi làm việc, các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ Xây dựng, các tổng công ty, công ty đã đưa ra nhiều ý kiến thắc mắc để Đoàn công tác giải đáp, trao đổi thêm thông tin. Đồng thời đưa ra nhiều ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện hơn nội dung của Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) cũng như thúc đẩy hoạt động CGCN hiện nay như cần tập trung vào việc chế tạo ra thiết bị phụ trợ cho nhà máy điện; khi tự bỏ tiền ra nghiên cứu, doanh nghiệp rất cần địa chỉ ứng dụng cụ thể; cụ thể hóa hơn chính sách của Nhà nước trong hoạt động CGCN;…
Đại diện Viện Vật liệu Xây (VLXD) dựng chia sẻ, việc xây dựng được Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) rất hữu ích. Viện VLXD có rất nhiều công nghệ được Nhà nước cấp và đi chuyển giao cho các doanh nghiệp (miễn phí), còn một số đề tài khác thì ký hợp đồng CGCN. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần cụ thể hóa hơn nữa các chính sách hỗ trợ trong hoạt động này. Lãnh đạo VLXD kiến nghị, với Điều 3, mục 22 “Công nghệ sạch” cần bổ sung thêm việc tận dụng các nguồn nguyên liệu sạch để sản xuất.
Ông Phùng Đức Tiến – Phó Chủ nhiệm UB KH, CN&MT của Quốc hội bày tỏ sự ấn tượng về những kết quả ngành xây dựng đã đạt được trong hoạt động ứng dụng, CGCN, trong đó có việc làm chủ nhiều công nghệ thiết kế, thi công nhà cao tầng, các công trình giao thông, thủy lợi, công trình công nghiệp có quy mô lớn và các công trình đặc biệt khác. Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến làm căn cứ xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định vào Kỳ họp thứ 3, Khóa XIV tới.
Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn