Ngày 9/2, tại TP.HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) tổ chức chương trình gặp gỡ chuyên gia trí thức kiều bào và hội thảo “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017”. Hội thảo năm nay tập trung chia sẻ các bài học khởi nghiệp thành công; kinh nghiệm kết nối chuyên gia trí thức kiều bào với các đối tác trong nước nhằm giải quyết các bài toán, dự án thiết thực và cụ thể thông qua chia sẻ tri thức mới, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Sự kiện là diễn đàn trao đổi giữa các chuyên gia trí thức kiều bào và các nhà quản lý, chuyên gia trí thức trong nước về vai trò, khả năng đóng góp, đặc biệt là các đề xuất về chủ trương, chính sách cụ thể cần được thực hiện nhằm thu hút rộng rãi và phát huy hiệu quả nguồn chất xám của cộng đồng các chuyên gia trí thức kiều bào đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng và sự nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của đất nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LV. Trao đổi thân mật với các chuyên gia trí thức kiều bào, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng và đánh giá cao vai trò của đội ngũ chuyên gia trí thức kiều bào, coi đây là một trong những nguồn nhân lực KH&CN nòng cốt của đất nước. Vì vậy, việc thu hút, khơi dậy hơn nữa nhiệt huyết, trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam trên toàn cầu, đặc biệt là những trí thức, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân đầu tư vào KH&CN, ĐMST là hết sức cần thiết.
Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải (Phó Chủ tịch VUSTA), hiện có 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài thuộc nhiều thế hệ. Trong đó có khoảng 400.000 người có trình độ KH&CN trên các lĩnh vực cần thiết cho phát triển đất nước. Con số này có thể chưa tính đến hàng trăm ngàn học sinh Việt Nam đang học các hệ cao đẳng công nghệ đến đại học, trên đại học của thế giới, nhất là các nước có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển. Ông Nguyễn Phú Bình (Chủ tịch ALOV) cũng cho rằng, con số 400.000 người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên là một vốn quý của đất nước. Tuy nhiên, hằng năm có 200 – 300 lượt chuyên gia về nước là rất nhỏ bé. Vì vậy, cần có một giải pháp, cơ chế đột phá để tăng số chuyên gia về nước, nếu không sẽ rất lãng phí nguồn lực này. Bên cạnh đó, hiện Việt Nam mới chỉ chú trọng đến năng lực, trình độ của người Việt Nam ở nước ngoài, mà chưa tận dụng được hết mối quan hệ của họ với các cơ quan, tổ chức quốc tế để đưa các nhà khoa học, nhà đầu tư cũng như công nghệ tiên tiến của nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Các kiều bào chia sẻ về những mô hình khởi nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: LV. Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, 2016 là năm đánh dấu bước khởi phát quan trọng trong trào lưu hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là chất lượng doanh nghiệp Việt khởi nghiệp dựa trên ĐMST, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khai thác tài sản trí tuệ hay mô hình kinh doanh mới. Trong năm 2016, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều sáng kiến và thu được một số kết quả. Điển hình như thông qua tiểu hợp phần “Chuyên gia giỏi nước ngoài về KH&CN và ĐMST, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài” thuộc Dự án ĐMST thông qua nghiên cứu, KH&CN (Dự án FIRST) do Ngân hàng thế giới tài trợ, đã kết nối được trên 540 chuyên gia giỏi nước ngoài. Trong đó, có khoảng 250 chuyên gia, trí thức kiều bào đang làm việc và hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong khắp cả nước. Bộ KH&CN cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới”, với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy, kết nối các chuyên gia Việt Nam trên toàn thế giới và các chuyên gia giỏi nước ngoài với các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển đất nước. Năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành hữu quan thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng, kết nối chuyên gia trí thức kiều bào ở trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường việc chia sẻ tri thức hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, chuyển giao công nghệ và đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển đất nước.
TS. Nghiêm Vũ Khải cho biết, trong thời gian tới, VUSTA sẽ nghiên cứu, xây dựng đề án hướng tới sớm thành lập một số tổ chức có vai trò trọng tâm là tập hợp, thu hút trí thức KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài; hướng dẫn, hỗ trợ để các hội chủ động, tích cực thu hút trí thức Việt kiều tham gia thực hiện, đóng góp tài sản, trí tuệ phục vụ phát triển đất nước. Theo TS. Nghiêm Vũ Khải, Việt Nam nên tổ chức Diễn đàn KH&CN Việt Nam hằng năm và đưa sự kiện này thành sự kiện quốc gia lớn nhất, trở thành diễn đàn thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế.
Thảo luận tại hội thảo. Ảnh: LV. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trí thức kiều bào cũng đã chia sẻ những kết quả ban đầu về các doanh nghiệp khởi nghiệp của mình tại Việt Nam trong năm qua. Điển hình như Hệ thống FABLAB Saigon và Đà Nẵng của ông Nguyễn Trọng Nhân (kiều bào Pháp); triển khai VietExd theo mô hình MOOCs đào tạo nhân lực chất lượng cao của ông Nguyễn Vinh (kiều bào Mỹ); mô hình Teach for Vietnam – phổ cập dạy tiếng Anh đại trà (Phúc Huỳnh – kiều bào Mỹ); Seamedia với các dự án phát triển bền vững dành cho cộng đồng (Trương Bảo Trân - cựu du học sinh),... Bên cạnh đó, với sự kết nối, hợp tác, giúp đỡ của chuyên gia trí thức kiều bào, TS. Nguyễn Ngọc Trung (ĐH Bách khoa Hà Nội) và TS. Lê Đức Hùng (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cho biết đã triển khai thành công một số dự án như: Phát triển quy trình công nghệ chế tạo transistor có độ linh động điện tử cao, ứng dụng cho các thiết bị điện tử công suất và tần số cao (HEMT); Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng,...
TS. Nguyễn Trí Dũng (kiều bào Nhật Bản) giới thiệu mô hình JAVINET, với những bài học kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản cũng như đề xuất một số giải pháp có tính căn cơ để trào lưu khởi nghiệp ở nước ta đi đúng hướng và phát huy hiệu quả tổng thể lâu dài. TS. Nguyễn Trí Dũng chia sẻ, việc thành lập JAVINET nhằm kết nối giữa nhà nước, trường đại học, doanh nghiệp và nhân dân lại với nhau đã chứng minh hiệu hiệu quả của mô hình. Bởi JAVINET không chỉ là nơi đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ,… mà còn giúp những người Nhật hiểu về đất nước, con người, cũng như tìm hiểu những vấn đề có thể đầu tư vào Việt Nam. Nếu mỗi Việt kiều vận động được Chính phủ, doanh nghiệp, nhân dân nơi họ đang sinh sống hiểu biết, yêu đất nước Việt Nam, mong muốn đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thì đất nướcsẽ phát triển tốt hơn.
Lam Vân