Ngày 22/3, tại lễ công bố kết quả khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2016 và hội nghị “Thách thức và giải pháp quản lý nguồn nhân lực đa thế hệ” do Mạng nghề nghiệp Anphabe và Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen tổ chức tại TP.HCM, Unilever Việt Nam tiếp tục được vinh danh là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Đây là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp này được người đi làm bình chọn ở vị trí cao nhất. Các vị trí tiếp theo của danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam thuộc về Vinamilk, Nestle, Microsoft, IBM, Vietcombank, Viettel,…
Báo cáo nơi làm việc tốt nhất Việt Nam được đánh giá theo 24 ngành nghề với hơn 26.000 đáp viên (là những người có kinh nghiệm làm việc 1 năm trở lên) thuộc 3 thế hệ: Baby Boomer (sinh từ 1950 – 1969); thế hệ X ( sinh từ 1970 – 1985); thế hệ Y (1985 đến 2000). Đặc biệt, khảo sát năm nay còn phỏng vấn chuyên sâu với 50 giám đốc nhân sự (25% doanh nghiệp Việt Nam và 75% doanh nghiệp nước ngoài).
Ngoài danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2016, khảo sát cũng công bố nơi làm việc tốt nhất theo 24 ngành nghề và thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất theo 6 nhóm tiêu chí. Hạng mục nơi làm việc tốt nhất theo ngành nghề được trao cho các công ty như Mercedes-Benz Vietnam dẫn đầu ngành ô tô - phụ tùng; Abbott dẫn đầu ngành dược - công nghệ sinh học - chăm sóc sức khỏe; Viettel dẫn đầu ngành công nghệ thông tin – viễn thông; Bosch dẫn đầu ngành kỹ thuật công nghệ;… Ở hạng mục thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất theo nhóm tiêu chí, Vinamilk tiếp tục được bình chọn là thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn nhất ở tiêu chí lương, thưởng, phúc lợi; Unilever dẫn đầu về tiêu chí cơ hội phát triển, lãnh đạo và quản lý; Intel Vietnam dẫn đầu về tiêu chí văn hóa và môi trường;…
Đại diện Unilever Việt Nam tại lễ vinh danh nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2016. Ảnh: LV. Dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng bình chọn của người đi làm, khảo sát năm nay có thêm 2 hạng mục giải thưởng mới là doanh nghiệp tiêu biểu có nguồn nhân lực hạnh phúc (thuộc về các doanh nghiệp Novaland, KPMG, VP Bank, AIA và Nike Vietnam); thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn nhất với thế hệ Y (thuộc về Unilever, Nestle, Vinamilk, Viettel và Suntory PepsiCo).
Theo đại diện Anphabe, mô hình đo lường nguồn nhân lực hạnh phúc trong khảo sát này nhằm đo mức độ hạnh phúc của người đi làm với 4 chỉ số quan trọng là độ gắn kết lý trí, độ gắn kết tình cảm, nỗ lực tự nguyện và cam kết gắn bó. Từ đó có thể tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp về phương thức tối đa hóa hiệu suất và lòng trung thành của nhân viên thông qua sự gia tăng gắn kết. Thời gian tới, Anphabe sẽ tiếp tục cung cấp nhiều hình thức báo cáo đa dạng theo yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp để hỗ trợ chiến lược thương hiệu nhà tuyển dụng và nguồn nhân lực hạnh phúc cho các công ty định hướng trở thành nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.
Tại phần hội nghị, các đại diện của hơn 500 doanh nghiệp cùng các chuyên gia, diễn giả trong nước, quốc tế đã chia sẻ về các xu hướng nhân tài; kiến thức và kinh nghiệm quản trị nguồn nhân lực; những thách thức và giải pháp xoay quanh vấn đề quản lý nguồn nhân lực đa thế hệ.
Hội nghị là diễn đàn sôi nổi về nguồn nhân lực đa thế hệ. Ảnh: LV. Trong bối cảnh hiện nay, phần lớn các công ty đang có 3 thế hệ làm việc song song là Baby Boomer, X và Y. Trong đó, thế hệ X và Y đang là 2 nhóm lao động chủ đạo, thế hệ Y sẽ nhanh chóng vượt lên dẫn đầu trong vài năm tới. Tuy nhiên, với quá trình trưởng thành khác biệt, thế hệ Y có nhiều điểm khác về cách nghĩ, cách làm so với các thế hệ đi trước. Theo khảo sát, có tới 85% doanh nghiệp thừa nhận rằng công ty của họ đang diễn ra cuộc chiến ngầm giữa các thế hệ, đặc biệt khi thế hệ Z (sinh năm 2001 trở đi) sắp gia nhập nguồn nhân lực. Khoảng cách giữa các thế hệ đang tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Điển hình có 41% nhân viên thế hệ Y đang không cảm thấy hạnh phúc; 97% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng ngày càng khó gắn kết và làm hài lòng nguồn nhân lực trẻ.
Lam Vân