Thông tin được các nhà khoa học, các chuyên gia và tổ chức môi trường đưa ra và thảo luận xuyên suốt buổi tọa đàm “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống của người dân – Phân tích trường hợp khu bảo tổn biển Hòn Cau”, do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) tổ chức ngày 17/2 tại TP.HCM.
Các đại biểu đã trình bày và thảo luận về các chủ đề như: tình hình phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam và các tác động đến sinh thái, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu; giá trị và ý nghĩa quan trọng của hệ sinh thái biển Khu bảo tồn biển Hòn Cau; ảnh hưởng của nhiệt điện than lên hệ sinh thái biển; bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau trước đe dọa từ hoạt động đổ chất thải công nghiệp,…
Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận là một trong 16 khu bảo tồn biển với hệ sinh thái được xếp vào tốp đầu của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực Hòn Cau có 234 loài san hô, 324 loài cá, 119 loài thân mềm, 32 loài da gai kích thước lớn và 46 loài giáp xác, bò sát, trong đó có nhiều loài quan trọng và có giá trị kinh tế cao như tôm hùm bông, rùa xanh và đồi mồi. Nơi đây cũng có hệ động thực vật biển đa dạng, điển hình như rong, tảo và là bãi đẻ của các loài rùa biển khi đến mùa sinh sản.
Với sự phát triển của công nghiệp điện than ở Vĩnh Tân (Bình Thuận), hệ sinh thái Hòn Cau đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những nguy cơ đến từ việc vận hành, xả thải hiện tại của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, kế hoạch nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1, trong tương lai là một khu tổ hợp 5 nhà máy nhiệt điện đe dọa sự sống của các loài trong khu bảo tồn. Những tác động đến chất lượng không khí, nước, bãi bờ đã dẫn đến các loài sinh vật biển mất môi trường sống, các rạn san hô bị thu hẹp và gây ra hệ lụy không nhỏ đến sinh kế của người dân địa phương. Đó là muối bị phủ than đen, nghề đánh bắt nuôi trồng hải sản và khu du lịch bị tác động tiêu cực, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng bởi khói thải của nhà máy gây ô nhiễm không khí.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi trình bày về bảo vệ Khu kinh tế biển Hòn Cau dưới góc nhìn khoa học và chính sách. Ảnh: LV. PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi (Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho rằng, Hòn Cau bị đe dọa bởi hoạt động nạo vét và nhận chìm vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1, làm tăng hàm lượng chất lơ lửng, bùn cát và ảnh hưởng đến chất lượng nước vùng biển khu bảo tồn. Hoạt động neo đậu, nạo vét và đổ thải có thể gây hư hại rạn san hô và khu bảo tồn. Không những thế, chất thải nạo vét nếu gây ô nhiễm sẽ làm suy thoái hoặc phá hủy vĩnh viễn các rạn san hô. Vì vậy, cần cân nhắc thật kỹ vị trí đổ thải cũng như Vĩnh Tân cần có một cam kết về mặt pháp lý đối với các nhà máy nhiệt điện than trong quá trình hoạt động nếu làm ảnh hưởng đến môi trường sẽ bị xử lý như thế nào.
Ông Nguyễn Ngọc Anh (chuyên gia về Quy hoạch và quản lý nước, lưu vực sông, thủy văn – thủy lực) cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì đến năm 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng gần 50% trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Trước một số dự án nhiệt điện than đã được phê duyệt và nhu cầu năng lượng điện của đất nước, Việt Nam vẫn phải chấp nhận nhiệt điện than. Tuy nhiên cần xem xét để làm giảm thiếu tác động của nhiệt điện than đến môi trường; xem xét quy mô các nhà máy nhiệt điện than, nên đặt vị trí nào cho hợp lý. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, thay vào đó là các công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Các ý kiến khác cũng đề xuất, nên sử dụng bên thứ 3 độc lập và có uy tín để đánh giá tác động môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than, đóng cửa các nhà máy nếu tiêu chí đánh giá không đáp ứng; nâng cấp phát triển triển lưới điện nhằm đáp ứng sự phát triển của năng lượng tái tạo; tập trung phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và năng lượng chất thải rắn; yêu cầu cao về các rào cản môi trường để ngăn cản các công nghệ lỗi thời và kém chất lượng, sử dụng hàng rào phi thuế quan để có sản phẩm chất lượng tốt; giám sát chặt chẽ và bắt buộc tuân thủ kế hoạch quản lý môi trường của các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, đồng thời công khai thông tin cho người dân và chính quyền địa phương cùng giám sát; bắt buộc thực hiện đánh giá tác động sức khỏe trong quá trình đánh giá tác động môi trường xã hội của dự án;…
Lam Vân