Ngày 22/12, tại TP.HCM, Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường KH&CN khu vực phía Nam – Từ thực tiễn TP.HCM”. Nội dung hội thảo xoay quanh các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về phát triển thị trường KH&CN; kinh nghiệm thực tiễn từ TP.HCM; hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp và sàn giao dịch công nghệ; xã hội hóa hoạt động KH&CN; hoạt động định giá công nghệ phục vụ chuyển giao, thương mại hóa công nghệ,… Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã tham dự và chủ trì hội thảo.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm (Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN), nguồn nhân lực và thực hiện quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN tại địa phương còn nhiều hạn chế, cả về số lượng và chất lượng. Thị trường KH&CN chủ yếu vẫn là mua bán máy móc, thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ như mua bán công nghệ, bản quyền công nghệ.
Ông Chu Bá Long (Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, việc đầu tư đổi mới trong các doanh nghiệp ở TP.HCM còn thấp, khoảng 30% doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, chưa có chiến lược phát triển hoặc chưa định hướng được phương thức, hướng đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi đó, nguồn thông tin về thiết bị, công nghệ của các doanh nghiệp còn thiếu và gây khó khăn cho việc xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp.
Ông Phan Minh Tân (Phó Chủ tịch Liên hiệp hội KHKT TP.HCM) cho rằng, nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực để phát triển thị trường KH&CN nhưng vẫn chưa đạt được kết quả là do chúng ta chưa đổi mới được tư duy về làm thị trường KH&CN. Phát triển thị trường KH&CN không tuân thủ theo quy luật của nền kinh tế thị trường mà vẫn áp đặt ý muốn chủ quan để đưa ra những cơ chế, chính sách mà không tháo gỡ được những vướng mắc của thị trường. Do vậy, nhà nước chỉ nên quản lý bằng thể chế và chính sách, thị trường KH&CN cần để xã hội cùng làm mới có thể phát triển hiệu quả.
Đồng quan điểm này, các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất là cách làm chính sách thị trường chưa thực sự đi vào thị trường, có nghĩa là tư duy của người làm chính sách cho thị trường KH&CN chưa cập nhật tư duy thị trường, chưa đứng ở góc độ của các nhà khoa học, doanh nghiệp, mà chủ yếu cái gì có lợi cho công tác quản lý thì làm. Do vậy, cần đổi mới tư duy làm chính sách, quản lý nhà nước, phát triển thị trường KH&CN cần tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường. Mặt khác, cần tác động tăng cường mối liên kết cung – cầu, đào tạo – nghiên cứu, phát triển các khâu trung gian là định giá, tư vấn công nghệ, tư vấn xây dựng chính sách,…
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại phần trao đổi thảo luận. Ảnh: LV. Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), việc phát triển thị trường KH&CN không phải là hoạt động riêng lẻ mà là kết quả thể hiện sự đóng góp của KH&CN, nhưng cũng là động lực để thúc đẩy KH&CN phát triển. Chính vì vậy, điều cốt yếu để thúc đẩy thị trường KH&CN là thiết kế các chính sách làm sao sát với từng thành phần tham gia hoạt động này.
Về khó khăn của doanh nghiệp, cá nhân trong việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, sản phẩm sáng chế, ông Dũng cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng, nhiều đề tài có sản phẩm rất hiệu quả, được thị trường đón nhận nhưng lại vướng các thủ tục xin giấy phép để sản phẩm có thể đưa ra thị trường. Do vậy cần nghiên cứu áp dụng cơ chế tạo điều kiện thông thoáng cho các sản phẩm có ích cho xã hội được ra thị trường sớm mà không mất quá nhiều thời gian cho việc đăng ký, hoàn tất thủ tục, giấy tờ.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, phát triển thị trường KH&CN là một trong những định hướng quan trọng, quyết định đến hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hoạt động KH&CN hiện nay. Vì vậy, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, cơ chế, chính sách định hướng phát triển thị trường KH&CN, khẳng định sự quyết tâm xây dựng và phát triển thị trường KH&CN ngang tầm với các thị trường khác như: tài chính, chứng khoán và thị trường lao động… Đó là các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và tổ chức công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”,... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng và cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường KH&CN trong những năm sắp tới.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LV. Chính phủ cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá công nghệ; thu hút các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động chuyển giao công nghệ; hỗ trợ kinh phí để phát triển nguồn cung công nghệ và kích cầu công nghệ qua các Quỹ Phát triển KH&CN và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia,...
Hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đánh giá là đang giữ vị trí đầu tàu kinh tế, thương mại, dịch vụ và KH&CN của cả nước, hàng năm đóng góp trên 30% GDP. Mô hình Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) tại các tỉnh phía Nam đã thực hiện tốt vai trò xúc tiến kết nối cung cầu công nghệ và thiết bị. Techmart đã được tổ chức từ quy mô địa phương đến khu vực và đỉnh cao là quy mô quốc gia và quốc tế đã trở thành thương hiệu lớn và được đánh giá là một trong những giải pháp thành công nhất trong phát triển thị trường KH&CN. Đặc biệt, đến nay tại TP.HCM đang xây dựng mô hình Sàn giao dịch công nghệ cấp quốc gia của cả nước. Phát triển thị trường công nghệ là một xu hướng tất yếu, nên các hoạt động về thương mại hóa công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, phát triển các tổ chức dịch vụ, tư vấn, tổ chức trung gian, giao dịch công nghệ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,… được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển thị trường KH&CN.
Lam Vân