Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và kết nối cung cầu khoa học công nghệ của Trung tâm nhằm tạo không gian gặp gỡ, kết nối doanh nhân với nhà khoa học, trường đại học với doanh nghiệp và các quỹ đầu tư với các nhóm khởi nghiệp gọi vốn.
Ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, chương trình là hoạt động nhằm tạo ra môi trường và sân chơi để kết nối doanh nghiệp với trường đại học, doanh nhân với nhà khoa học, giữa trường đại học với nhau để gia tăng sức mạnh… Đặc biệt hơn là trong mỗi chương trình “Café Business Start-Up” đều có những dự án xuất sắc do Trung tâm lựa chọn để gọi vốn từ các nhà đầu tư.
“Café Business Start-Up” sẽ được tổ chức định kỳ hằng tháng và địa điểm tổ chức có thể là ở trường đại học, địa phương hay doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tính kết nối và tạo sự cộng hưởng sức mạnh giữa doanh nghiệp, địa phương, trường đại học… tạo ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học hữu ích, dự án khởi nghiệp thành công.” – ông Vương Quốc Thắng nói thêm.
Bên cạnh đó, buổi khai trương còn có phần trình bày Dự án khởi nghiệp Bio-Sap từ phụ phẩm nông nghiệp của nhóm khởi nghiệp TS. Phan Thị Tuyết Mai, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN); Chia sẻ của TS. Vũ Hữu Kiên và doanh nhân Nguyễn Phan Huy Khôi...
TS. Phan Thị Tuyết Mai cho biết, trong suốt 10 năm (2007 – 2017) nhóm khởi nghiệp của mình đã thành công bước đầu với việc nghiên cứu vật liệu Bio-Sap, một dạng vật liệu có khả năng hút nước lớn như bỉm, băng, gạc y tế,…
Điểm đặc biệt của nhóm nghiên cứu khởi nghiệp vật liệu Bio-Sap được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp như lá dứa, cùi ngô, bã mía... có giá thành rẻ hơn ít nhất từ 30-35% so với vật liệu Bio-Sap ngoài thị trường đang phải nhập từ nước ngoài sản xuất từ tinh bột. Cũng như các nhóm khởi nghiệp khác, nhóm khởi nghiệp TS. Phan Thị Tuyết Mai gặp khó khăn khi muốn thương mại hóa nghiên cứu của mình. Với chương trình "Cafe Business Start-up", nhóm khởi nghiệp bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp để chuyển sang quy mô sản xuất công nghiệp khoảng 10 nghìn tấn/năm.
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi phát biểu tại Chương trình
TS. Phan Thị Tuyết Mai chia sẻ: "Những buổi gặp gỡ như thế này rất có ích cho chúng tôi, những nhà khoa học thông thường chỉ tập trung nghiên cứu. Có nhiều khó khăn khi chuyển từ sản phẩm trong phòng nghiên cứu ra ngoài thị trường. Điều đó là ngoài tầm của các nhà khoa học chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi rất cần nguồn vốn hỗ trợ để sản xuất thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường."
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát đánh giá chương trình "Cafe khởi nghiệp" hay "Cafe Business Start-up" của Đại học Quốc gia Hà Nội là một đột phá trong cách tiếp cận về hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, nhất là cách tiếp cận thương mại hóa các thành tựu nghiên cứu trong trường đại học. Mô hình này trên thế giới khá phổ biến, tuy nhiên ở Việt Nam lại không nhiều.
"Đây là cách làm tương đối mạnh bạo khi Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức một chuỗi các sự kiện kết nối như này. Có thể thấy sự phấn khởi đối với sinh viên Đại học Quốc gia nói riêng, cũng như với ngành đào tạo các trường đại học nói chung. Theo tôi, các trường đại học cần xác định vấn đề đào tạo thực nghiệm. Bởi vì hiện nay, xã hội, doanh nghiệp có nhu cầu thật. Việc đào tạo nhân lực, thành tựu nghiên cứu khoa học phải có hơi thở cuộc sống. Như vậy, hai bên mới gặp gỡ được nhau.", ông Nguyễn Phan Huy Khôi nhận định.