Đó là các mô hình: Dịch vụ công trực tuyến tại Phường 2, Quận 10; Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền GIS (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM); Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh (dự án khởi nghiệp của Công ty CP Dịch vụ viễn thông May Mắn); các mô hình ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý, quản lý du lịch, nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh; Mô hình chăn nuôi tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng đến môi trường trong chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM; Thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời với dàn sấy động cho cá sặc rằn tại huyện Củ Chi, TP.HCM; Mô hình đổi mới sáng tạo trong trường học thông qua giáo dục STEM; Hệ thống phục vụ người dân trên thiết bị di động (ứng dụng tại quận Bình Thạnh);…
Ông Nguyễn Trọng Thiện (Chủ tịch UBND Phường 2, Quận 10) cho biết, trước đây, Phường 2 chỉ tiếp nhận và xử lý hồ sơ bằng giấy tờ, sổ sách. Điều này rất bất tiện, mất nhiều thời gian, công sức khi cán bộ, công chức muốn tìm kiếm thông tin hồ sơ (hồ sơ nào đang cần xử lý, hồ sơ nào đã xử lý xong, hồ sơ nào đã trễ hạn, tổng hợp báo cáo thực hiện ISO định kỳ,…). Sau khi áp dụng mô hình Dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần một cú click chuột là có thể tìm kiếm chính xác một hồ sơ, giúp rút ngắn thời gian tiếp nhận hồ sơ. Ngoài ra, phần mềm còn hỗ trợ kết xuất báo cáo thực hiện ISO định kỳ, người dân có thể thông qua trang web để tra cứu quá trình xử lý hồ sơ đã nộp.
Hội thảo thu hút khá đông đại biểu tham dự. Ảnh: LV.
Phần mềm hệ thống Dịch vụ công trực tuyến do Sở KH&CN phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 10 triển khai thí điểm tại Phường 2 từ tháng 9/2017. Hệ thống thí điểm 35 thủ tục thuộc các lĩnh vực bảo trợ xã hội, đất đai, người có công, giải quyết khiếu nại tố cáo, hành chính tư pháp. Đến nay, trên hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 683 hồ sơ, các chuyên viên Phường 2 hiện đang sử dụng hệ thống để tiếp nhận, xử lý, luân chuyển và trả hồ sơ hàng ngày. Mô hình này đáp ứng được nhu cầu thực tế, việc tiếp nhận hồ sơ, xử lý thủ tục hành chính, quản lý và theo dõi quá trình xử lý được thực hiện một cách nhanh chóng, rõ ràng, thuận tiện và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đình Dũng (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), trước đây, quy trình báo cáo thống kê bệnh truyền nhiễm, báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết qua rất nhiều bước, chủ yếu nằm trên giấy và thực hiện thủ công. Quá trình gửi và phản hồi ca bệnh mất từ 2 đến 3 ngày, bản đồ dịch tễ của các địa phương cũng rất sơ sài và khó theo dõi. Từ khi áp dụng Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền tảng GIS do Sở Y tế TP.HCM và Sở KH&CN TP.HCM phối hợp thực hiện, những hạn chế trên đã được khắc phục. Không chỉ giảm thời gian gửi và phản hồi ca bệnh, hệ thống còn giúp Trung tâm Y tế dự phòng lập bản đồ và theo dõi các ổ dịch một cách nhanh chóng và trực quan. Nhờ vào bản đồ trên hệ thống GIS có thể xác định được chính xác số tổ, khu phố/ấp để phối hợp xử lý. Với chức năng cảnh báo dịch sốt xuất huyết, hệ thống GIS có thể giúp tìm ổ dịch, quản lý các thông tin về ổ dịch và dự đoán chiều hướng lây lan của bệnh. Do đó, các ổ dịch sẽ sớm được khoanh vùng và xử lý triệt để trước khi bùng phát.
Triển lãm giới thiệu một số mô hình đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ hội thảo. Ảnh: LV.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện nhân ngày KH&CN Việt Nam 18/5. Đây là cơ hội để các bên gặp nhau, chia sẻ một số mô hình ứng dụng hiệu quả ở cơ sở và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại cơ sở. Những hoạt động này cũng góp phần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN tại cơ sở, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và chất lượng giải quyết các yêu cầu của người dân; ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, giúp giải quyết những vấn đề tồn tại khó khăn của bà con nông dân, kết nối các cơ sở quận huyện với Sở KH&CN để tìm kiếm những giải pháp tốt hơn, đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, cho nông nghiệp tại các quận, huyện của thành phố.