Theo ông Nguyễn Đức Tuấn (Trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở), năm 2017, các quận huyện đã triển khai 165 đề án, dự án ứng dụng KH&CN phục vụ công tác quản lý và 102 đề án, dự án ứng dụng KH&CN cho các cơ sở, doanh nghiệp. Một số mô hình ứng dụng tiêu biểu có thể được kể đến như: Quản lý cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề liên quan (Quận 1); Triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống đo đếm điện từ xa cho 99 hộ dân (Quận 1); Phần mềm xử phạt hành chính tại UBND phường, quận (Quận 2); Ứng dụng mô hình GPS trong việc quản lý vận tải hành khách (quận 5); mô hình Bình Thạnh trực tuyến - Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, xử lý trật tự lòng lề đường; Ứng dụng dành cho quản lý công việc đối với nhà quản trị doanh nghiệp Team vieer, Google Keep, Bitrix24, Evernote, xây dựng thương hiệu và nâng tầm doanh nghiệp (Quận 3),…
Đại diện Phòng Quản lý KH&CN cơ sở trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: LV.
Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp, nông thôn đã xây dựng, hoàn chỉnh tài liệu kỹ thuật 30 mô hình, đề tài, dự án, ứng dụng KH&CN và chuyển giao 46 lượt công nghệ mới, tiên tiến. Điển hình như Mô hình công nghệ nuôi thương phẩm tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii, De Man 1879) toàn đực theo hướng ViệtGAP; Thiết kế, chế tạo thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời với dàn sấy động cho cá sặc rằn tại huyện Củ Chi; Hệ thống rửa củ nghệ hỗ trợ nông dân Củ Chi; Mô hình trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng; Nhân giống lan Mokara cắt cành bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt; Ứng dụng giải pháp quản lý và truy xuất nguồn gốc của công ty Traceverified cho sản phẩm nông sản tại 5 hợp tác xã;…
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, phòng kinh tế các quận huyện đã phối hợp với thanh tra Sở KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng kiểm tra 2.424 doanh nghiệp về mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, cột đo xăng dầu, cân kỹ thuật,… Phong trào đổi mới sáng tạo trong trường học đã tổ chức 99 cuộc thi, ngày hội về đổi mới sáng tạo cho giáo viên và học sinh, thúc đẩy và hình thành 225 câu lạc bộ tại các trường học và đào tạo STEM cho 2.487 giáo viên và 9.655 học sinh tại trường học trên địa bàn quận huyện.
Về phương hướng hoạt động năm 2018, ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết, Sở KH&CN sẽ tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua những khóa đào tạo về năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về lĩnh vực KH&CN phục vụ công tác quản lý và phát triển kinh tế xã hội; xây dựng môi trường, cơ chế thúc đẩy hoạt động sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ở công tác triển khai hỗ trợ ứng dụng KH&CN, Sở hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình theo đề xuất cụ thể từ các cơ quan, đơn vị, đồng thời thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu sáng kiến. Ngoài ra, Sở cũng đặt chỉ tiêu 100% làng nghề được hỖ trợ ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tiến hành hỗ trợ ươm tạo thành công 10 sản phẩm hoặc doanh nghiệp KH&CN từ các cuộc thi sáng tạo hàng năm.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), các quận huyện cần chủ động đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN dựa theo những chỉ tiêu cụ thể trong các văn bản mà Thành phố đã ban hành, đồng thời bám sát các chính sách, chương trình về KH&CN, đổi mới sáng tạo mà Sở KH&CN đang thực hiện để triển khai các hoạt động KH&CN trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai, nếu gặp những khó khăn, các quận huyện có thể phối hợp với Sở KH&CN để tháo gỡ và thực hiện. Ví dụ, các quận huyện có thể đề xuất cho Sở những sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu ứng dụng mà doanh nghiệp hoặc đơn vị ở cơ sở đang vướng mắc, cần giải quyết ngay để Sở nắm bắt và tìm giải pháp hỗ trợ kịp thời như phân bổ chuyên gia hoặc đặt hàng trường – viện giúp sức. Bên cạnh đó, Sở sẽ đẩy mạnh tổ chức các cuộc thi, ngày hội về đổi mới sáng tạo, hình thành câu lạc bộ STEM cho trường học trên địa bàn theo yêu cầu cụ thể của các quận huyện. Đồng thời thiết lập kênh liên kết và chia sẻ thông tin giữa các quận huyện để tiếp nhận thông tin từ cơ sở để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở cơ sở, kết nối và chuyển giao những giải pháp đã ứng dụng thành công ở các quận huyện.