Theo báo cáo của Sở KH&CN, năm 2017, SpeedUp đã tiếp nhận 121 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, qua các vòng xét duyệt, có 30 dự án (thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ cao, giáo dục) được chương trình xem xét hỗ trợ. Các dự án được hỗ trợ tại các cơ sở ươm tạo trong mạng lưới của chương trình như: Sihub, Vườn ươm công nghệ phần mềm Quang Trung, Vietnam Silicon Valley, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao,… Trong đó có 17 dự án được hỗ trợ dưới 1 tỷ đồng/dự án, 13 dự án được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng/dự án. Các dự án được hỗ trợ tại các cơ sở ươm tạo về không gian làm việc, cơ sở vật chất, R&D hoàn thiện sản phẩm, xác định thị trường, khách hàng mục tiêu, xây dựng mô hình kinh doanh, đăng ký bản quyền sản phẩm công nghệ, kết nối quỹ đầu tư,…
Tuy nhiên, chương trình thực hiện lần đầu nên vẫn trong quá trình vừa triển khai vừa hoàn thiện. Các cơ sở ươm tạo và các startup chưa quen với các thủ tục và quy trình của cơ quan nhà nước. Mối quan hệ giữa cơ sở ươm tạo và các startup chưa chặt chẽ; chất lượng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ startup còn hạn chế. Bên cạnh đó, các nhóm khởi nghiệp chưa qua đào tạo về quy trình để khởi nghiệp bài bản; còn hạn chế trong việc tìm kiếm tính đổi mới sáng tạo của sản phẩm công nghệ,…
Theo TS. Nguyễn Hải An (Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM), trung tâm đã hỗ trợ cho 15 dự án hoàn thiện hồ sơ để tham gia chương trình và có 5 dự án vượt qua vòng thẩm định để nhận được hỗ trợ từ SpeedUp với tổng kinh phí là 5,2 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, trung tâm đang hỗ trợ cho 3 dự án hoàn thiện các nội dung giai đoạn 1 của dự án. Các hỗ trợ bao gồm cơ sở vật chất (nhà xưởng để sản xuất thử nghiệm, nhà trồng nấm,…); đào tạo – tập huấn; hoàn thiện công nghệ, sản phẩm; chuyên gia thực hiện dự án, quảng bá, phát triển sản phẩm ra thị trường,… Tuy nhiên, trung tâm cũng gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai như công tác hỗ trợ các dự án chưa kịp thời và đầy đủ do đây là nhiệm vụ mới; các dự án tham gia là dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị kiểm định các sản phẩm đổi mới sáng tạo; nhân sự của dự án chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc triển khai các nội dung gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án,…
Ông Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LV.
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt chương trình hỗ trợ trong thời gian tới cần ban hành cơ chế chính sách cho phép vườn ươm công lập được phép đóng góp cổ phần, ký kết các hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp để có hành lang pháp lý rõ ràng và tạo an toàn cho vườn ươm về mặt pháp luật; hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kiến thức liên quan thanh quyết toán kinh phí dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đại diện các dự án và các cán bộ phụ trách của các vườn ươm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh vai trò của các ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp của 4 ngành trọng điểm trong việc kết nối mạng lưới doanh nghiệp tham gia, huy động được cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, cơ sở ươm tạo, xưởng sản xuất; kết nối mạng lưới R&D với các trường, viện, các tổ chức tài chính, mạng lưới chuyên gia,…
Về hoạt động của các ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho rằng, ban điều hành có vai trò kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, giúp hình thành hệ sinh thái cụ thể, vận động các doanh nghiệp cùng tham gia để bàn câu chuyện thúc đẩy hệ sinh thái, nhà nước sẽ thiết kế các chính sách hỗ trợ. Sở KH&CN sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các ban điều hành, trong năm 2018, các ban điều hành cần có kế hoạch tổ chức các sự kiện, hoạt động một cách cụ thể; đồng thời cung cấp một danh sách cụ thể về các nhóm nghiên cứu, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tham gia vào hoạt động của hệ sinh thái. Sở KH&CN cũng có định hướng kết nối các ban điều hành hệ sinh thái với các chương trình nghiên cứu mục tiêu trong năm 2018 để hỗ trợ phát triển các sản phẩm nghiên cứu ra thị trường. Sở mong muốn các ban điều hành hệ sinh thái sẽ gắn kết được hoạt động nghiên cứu R&D với các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, cộng đồng; phối hợp với nhà nước trong việc dẫn dắt và hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp từ giai đoạn nghiên cứu, thương mại và phát triển.