Năm 2018, TP.HCM triển khai các hạng mục quan trọng trong Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Sử dụng năng lượng thông minh (Smart Energy) cũng là một trong các trụ cột hướng tới đô thị thông minh, bao gồm các yếu tố: sử dụng năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,… Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là thách thức đối với một thành phố có địa hình thấp như TP.HCM, thì định hướng phát triển thành phố thông minh cần phải bao gồm khả năng giải quyết các thách thức về môi trường, trong đó giải pháp công nghệ về năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng.
Theo ông Nguyễn Phương Duy (Sở Công thương TP.HCM), nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại TP.HCM rất lớn, chỉ tính riêng năng lượng điện bình quân mỗi năm tiêu thụ khoảng 22 tỷ kWh điện, chiếm 15% so với cả nước (thống kê năm 2017). Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, triển khai năng lượng mới, năn lượng tái tạo. Theo đánh giá, công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cơ quan, công sở, doanh nghiệp về thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng góp phần bảo vệ môi trường. Theo thống kê, giai đoạn 2011 – 2017, tổng điện năng tiết kiệm toàn thành phố đạt hơn 3.100 triệu kWh, giảm trên 2,039 triệu tấn CO2; hệ số đàn hồi năng lượng điện giảm rõ rệt từ 1,1 năm 2010 đến nay xuống còn khoảng 0,8 (thấp nhất cả nước), cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng điện trên địa bàn thành phố được cải thiện đáng kể. Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, trên địa bàn thành phố thời gian qua phát triển còn chậm, chủ yếu là máy nước nóng năng lượng mặt trời, trong khi nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời còn chưa đáng kể. Nguyên nhân do giá thành đầu tư còn cao và giá điện thì chưa được nhà nước hỗ trợ.
Diễn giả trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: LV.
Theo ông Phạm Trần Hải (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), để đạt được các mục tiêu trong sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo, cần được lồng ghép một cách phù hợp vấn đề này vào các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch khác nhau của TP.HCM để huy động được sự tham gia đóng góp của các ngành, lĩnh vực, các thành phần xã hội.
Về các hoạt động thúc đẩy năng lượng tái tạo tại TP.HCM, bà Nguyễn Thùy Ngân (Giám đốc thương hiệu của SolarBK) cho biết, năm 2017, SolarBK đưa vào vận hành mô hình năng lượng mặt trời thông minh tại trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Đây là một không gian trải nghiệm năng lượng sạch, giúp các bạn trẻ có thể giao lưu, trao đổi học tập, nghiên cứu về các sản phẩm, giải pháp năng lượng sạch. Mô hình vận hành 100% từ năng lượng mặt trời, với nền tảng công nghệ SSOC (Solar system operantions center) cho phép giám sát, thu thập dữ liệu năng lượng từ xa.
Tại buổi toạ đàm, CHANGE cũng chia sẻ kế hoạch và nghe ý kiến đóng góp cho dự án “Put Solar On It” (Nóc nhà Mặt trời) sẽ được triển khai trong thời gian tới nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà. Dự án sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề với các chuyên gia, các hoạt động dành cho cộng đồng tại các khu đô thị trong địa bàn TP.HCM; vận động các công ty năng lượng tái tạo cũng như các ngân hàng hỗ trợ về giá đầu tư và các gói vay ưu đãi, vận động EVN và các cơ quan ban ngành hỗ trợ về chính sách cho các gia đình lắp đặt điện mặt trời nối lưới,…