Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa (Phòng Quản lý khoa học SHTPLabs), hệ thống quan trắc mực nước tự động nhằm cảnh báo ngập lụt bao gồm: mạch điện truyền thông 3G và module cảm biến áp suất; phần mềm quản lý dữ liệu tập trung và ứng dụng trên thiết bị di động. Trong đó, cảm biến áp suất, phần mềm quản lý dữ liệu tập trung và ứng dụng trên thiết bị di động do SHTPLabs nghiên cứu, chế tạo.
Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống này sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động. Hệ thống này có ưu điểm là sử dụng bản đồ GIS từ cơ sở dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, linh kiện và board mạch, phần mềm quản lý dữ liệu đều do các kỹ sư Việt Nam thực hiện nên bảo đảm về an ninh thông tin.
Đại diện nhóm nghiên cứu của SHTPLabs giới thiệu về hệ thống cảnh báo ngập ứng dụng công nghệ MEMS. Ảnh: LV.
Theo thông tin tại hội thảo, hệ thống cảnh báo ngập của SHTPLabs có giá thành khoảng 10 triệu đồng/bộ, giảm 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại cùng tính năng (giá 32 triệu đồng/bộ). Hệ thống đang được lắp đặt thí điểm tại 10 điểm thường xuyên xảy ra ngập úng trên địa bàn thành phố, hiệu quả thu được tương đương thiết bị nhập ngoại.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu của SHTPLabs sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng cấp phần cứng của hệ thống, tích hợp với kết quả quan trắc lún mặt đất, thu thập số liệu về giao thông, kẹt xe trong thời gian ngập, xây dựng cảnh báo rủi ro ngập đến người dân sớm hơn, trước khi tình trạng ngập thực tế diễn ra.
Theo ông Lê Hoài Quốc (Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM), cảnh báo sớm là vấn đề rất khó khăn, việc làm chủ công nghệ để cho ra sản phẩm trong nước có giá thành thấp có ý nghĩa quan trọng hướng tới triển khai các trạm đo và cảnh báo ngập. Nghiên cứu của SHTPLabs mở ra nhiều triển vọng cho công nghệ tương lai về quan trắc ngập, dự báo tức thời. Hệ thống quan trắc mực nước theo dạng module nên sau này cũng có thể tích hợp thêm các hệ thống dự báo mưa, cảnh báo môi trường, có thể kết nối vào trung tâm dữ liệu mở của đề án thành phố thông minh,… Lãnh đạo thành phố cũng rất ủng hộ những bài toán có tính dự báo, cảnh báo các vấn đề của thành phố như kinh tế, giao thông, môi trường,… Do vậy, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục tư vấn hợp tác để triển khai được hệ thống cảnh báo sớm vấn đề ngập cho thành phố.
Theo ông Chu Bá Long (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), nghiên cứu này thuộc chương trình vi mạch của TP.HCM với mục tiêu ứng dụng sản phẩm vi mạch Việt, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao. Sở KH&CN luôn ủng hộ và hỗ trợ những hoạt động này. SHTPLabs có thể lập doanh nghiệp để sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm cảm biến, phát triển sản phẩm từ các nghiên cứu.