Ông Nguyễn Phương Đông (Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM) cho biết, đây là một trong những hoạt động triển khai chủ trương của Chính phủ và UBND TP.HCM về phát triển CNHT trên địa bàn TP.HCM, nhằm kết nối cung - cầu về sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - CNHT có cơ hội tiếp cận với các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị trường quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khu vực trưng bày giới thiệu các sản phẩm và kết nối doanh nghiệp CNHT. Ảnh: LV.
Tại khu vực trưng bày, có 17 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử (như Samsung, Toshiba, Tiger Vietnam, Asanzo, DLG Ansen Electric,…); lĩnh vực ô tô, xe tải (Mitsubishi, Samco, Vĩnh Phát Motor,…) và cơ khí chế tạo như Bosch, Schindler, Datalogic, SCSI, Juki, Fuji Impulse,… tham gia. Các doanh nghiệp này đã giới thiệu hơn 250 chi tiết linh kiện/cụm linh kiện dùng cho các sản phẩm điện thoại, máy photocopy, thang máy, xe tải, xe buýt, xe chuyên dùng, đồ điện gia dụng,… đang tìm kiếm nhà cung cấp, đồng thời tham gia kết nối trực tiếp với hơn 80 doanh nghiệp sản xuất CNHT của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình còn có 2 hội thảo chuyên đề về “CNHT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” và “Thúc đẩy cơ hội liên kết trong chuỗi cung ứng ngành điện tử”. Theo đó, các nội dung được đề cập gồm: Phân tích dữ liệu lớn trong thời đại công nghiệp 4.0; CNHT cho công nghiệp ô tô: tổng quan và bối cảnh 2018; Ngành công nghiệp 4.0: giải pháp cho nhà máy thông minh; Liên minh doanh nghiệp thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong lao động ngành điện tử tại Việt Nam; Doanh nghiệp CNHT ngành điện tử trong bối cảnh kinh tế số; Nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp: thúc đẩy phát triển bền vững cho doanh nghiệp;…
Hội thảo về CNHT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: LV.
Theo ông Đỗ Tân Khoa (Trưởng phòng Nghiên cứu, Trung tâm Đào tạo thuộc SHTP), cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động rất lớn, thậm chí thay đổi hoàn toàn cách ngành sản xuất hoạt động. Những công nghệ mới dẫn đến sự ra đời của các nhà máy thông minh tự động hóa, số hóa và liên kết tất cả các giai đoạn sản xuất dựa trên tích hợp Internet vạn vật (IoT), internet, big data, điện toán đám mây và hệ thống thực tế - ảo.
Để duy trì khả năng cạnh tranh cao bằng cách tạo ra sự đổi mới thông qua nghiên cứu sáng tạo, nước Đức đã đưa ra “Kế hoạch hành động Công nghệ cao 2020”. Trong đó, các nhà máy sản xuất thông minh được ứng dụng trí thông minh nhân tạo và IoT để tự động, tối ưu hóa sản xuất ở tất cả các khâu. Dây chuyền sản xuất thông minh được gắn kết dễ dàng với hệ thống quản lý sản xuất và hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp. Hệ thống thực tế - ảo kết nối các bộ phận trong nhà máy thông minh với hệ sinh thái IoT và thực hiện quản lý vòng đời sản phẩm. Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố chiến lược thúc đẩy phát triển “Đổi mới sáng tạo sản xuất 4.0” với mục tiêu thông minh hóa 10.000 nhà máy cho đến năm 2020. Những nhà máy này có thể sản xuất các sản phẩm tùy biến với thời gian và chi phí tối thiểu dựa trên IoT và hệ thống thực tế - ảo.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thuý (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương) các xu hướng sử dụng công nghệ 4.0 trong ngành công nghiệp ô tô là: công cụ để cải tiến quy trình hiện có; tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức sản xuất chế tạo ô tô và quy trình tạo ra giá trị trong ngành; tăng tính tự chủ và độc lập của các công đoạn sản xuất để ứng phó với sự phức tạp ngày càng gia tăng của ngành. Sẽ còn cần thời gian để hiện thực hóa xu hướng này nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng phải có sự chuẩn bị, bởi quá trình này đòi hỏi những thay đổi về quản lý quy trình, mô hình kinh doanh, kiến trúc hạ tầng IT, chuỗi giá trị,… Ngoài ra, công nghiệp 4.0 cũng có những tác động đến ngành ô tô như: cung cấp các công nghệ mới giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất; tính kết nối và dữ liệu lớn của công nghiệp 4.0 đòi hỏi năng lực quản lý và bảo mật, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước, toàn ngành về tri thức, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng; xây dựng năng lực cho doanh nghiệp trong nước (kể cả về năng lực cơ bản, nền tảng như 5S, kaizen, 6 sigma, lean production,…) bởi đây là nền tảng để đảm bảo cho sự thành công trong việc ứng dụng công nghệ 4.0.