SpStinet - vwpChiTiet

 

10 dự án vào chung kết cuộc thi về sáng tạo xã hội

Theo thông tin từ SIHUB (Saigon Innovation Hub), có 10 dự án trên cả nước sẽ tham dự vòng chung kết cuộc thi Thanh niên Việt Nam vì Sáng tạo xã hội (VYSIC 2018) diễn ra ngày 16/6 tại Hà Nội. Trước đó, SIHUB đã tổ chức vòng bán kết khu vực phía Nam với sự tham gia của 17 dự án đến từ TP.HCM, Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ.

Cuộc thi VYSIC 2018 do Hội đồng Anh, Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp (trường Đại học Kinh tế Quốc dân), trường Đại học Northampton cùng với các đối tác tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM tổ chức nhằm thúc đẩy sáng tạo xã hội trong thanh niên và truyền cảm hứng về tinh thần kinh doanh vì xã hội. Đây cũng là một sân chơi dành cho thanh niên Việt Nam phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo hướng tới các tác động lâu dài lên cộng đồng.

Là đối tác tổ chức vòng bán kết khu vực phía Nam của cuộc thi, SIHUB mong muốn góp phần tạo dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp xã hội lớn mạnh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giải quyết những vấn đề tồn đọng của cộng đồng và xã hội. Điều này phù hợp với một trong mười trụ cột chính mà chiến lược SIHUB 2020 - hướng tới kết nối toàn cầu muốn xây dựng là Social Impact (tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng).

Hình ảnh dự thi tại vòng bán kết khu vực phía Nam.

Khởi động từ ngày 9/4/2018, cuộc thi thu hút 103 hồ sơ từ mọi miền của đất nước tham gia, trong đó có 20 hồ sơ đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại các vòng bán kết tổ chức độc lập ở 3 khu vực miền Trung (Đà Nẵng) ngày 25/5, miền Nam (TP.HCM) ngày 26/5, miền Bắc (Hà Nội) ngày 27/5, đã có 36 hồ sơ được chọn để trình bày trước ban giám khảo ở ba khu vực. Mỗi đội đều được phân công và nhận sự hỗ trợ từ một cố vấn (mentor) là các sáng lập viên các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nhân tạo tác động xã hội, các chuyên gia từ các trung tâm ươm tạo và các giảng viên về đổi mới sáng tạo từ các trường đại học.

Trong đó, bán kết khu vực phía Nam diễn ra tại SIHUB với 17 dự án tham gia, được đánh giá có sự hiểu biết về vấn đề xã hội cũng như sự sáng tạo về giải pháp. Một số đề tài tiêu biểu có thể kể đến như các sản phẩm sử dụng nguyên liệu mới (mặt nạ bằng thảo sinh dược, sử dụng ruồi lính đen để phân hoá rác thải hữu cơ,...); tiếp cận đọc sách, văn hóa đọc; không gian kết nối cộng đồng; sản phẩm dược liệu, trồng cây thuốc trong thành phố; sử dụng trùn quế phát triển nông nghiệp hữu cơ;…

Trước khi tham dự vòng chung kết, mỗi nhóm dự án sẽ được 2 mentor hỗ trợ cải thiện dự án và hoàn thành các thử thách tuần.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả