IAEA hỗ trợ Việt Nam điều kiện hóa các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
18/06/2018
Hoạt động KH&CN
Từ ngày 11-15/6/2018, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án RAS/9/085 “Tăng cường cơ sở hạ tầng quản lý chất thải phóng xạ tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương” do Phó Cục trưởng Lê Quang Hiệp là Điều phối viên quốc gia, đoàn chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đến làm việc nhằm hỗ trợ Việt Nam điều kiện hóa các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Trong 1 tuần làm việc, các chuyên gia IAEA đã cùng các cán bộ của Cục ATBXHN và Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân tiến hành tháo dỡ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhóm 3-5 đang được lưu giữ tại kho nguồn của Viện, đưa vào các container chuyên dụng để lưu giữ lâu dài.
Đây cũng là cơ hội để đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật của các cơ quan có liên quan của Việt Nam thực hành các kỹ thuật này tiến tới tự thực hiện trong tương lai.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ KH&CN về thu gom, lưu giữ các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại Việt Nam, Cục ATBXHN đã phối hợp với các đơn vị thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ và cấp phép thu gom 107 nguồn phóng xạ có nguy cơ mất an ninh về lưu giữ tập trung tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) và Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (Hà Nội), giúp ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ mất, thất lạc nguồn phóng xạ, đặc biệt tại các cơ sở đã phá sản, giải thể, cơ sở vật chất bảo quản, lưu giữ không bảo đảm an toàn an ninh.
Mục tiêu của Dự án RAS/9085 nhằm giúp các quốc gia thành viên trong khu vực Châu Á - TBD hoàn thiện hạ tầng quốc gia về quản lý chất thải phóng xạ. Đối với Việt Nam, Dự án tập trung ưu tiên cho một số nội dung cấp thiết: quản lý chất thải phóng xạ đã qua sử dụng, chôn cất chất thải mức thấpvà trung bình, quản lý chất thải NORM, quản lý chất thải sau tháo dỡ lò phản ứng nghiên cứu. IAEA sẽ cử chuyên gia và cung cấp trang thiết bị cần thiết giúp Việt Nam tháo dỡ các nguồn phóng xạ để đưa vào các container chuyên dụng.
Theo kế hoạch, vào tháng 9/2018, đoàn chuyên gia sẽ sang làm việc hỗ trợ điều kiện hóa các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.