SpStinet - vwpChiTiet

 

Kết nối phát triển hệ sinh thái công nghệ giáo dục cho Việt Nam

Ngày 06/8, tại trường Đại học RMIT Vietnam (quận 7, TP.HCM) diễn ra chương trình công nghệ giáo dục (Edtech Vietnam 2018) do Saigon Innovation Hub (SIHUB) và Edtech Asia đồng tổ chức. Chương trình nhằm kết nối các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái công nghệ giáo dục và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục. Các thành phần chính trong hệ sinh thái tham dự sự kiện bao gồm các công ty khởi nghiệp, các tổ chức giáo dục, các tổ chức phi chính phủ, các công ty công nghệ, nhà đầu tư,…

Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi với nhu cầu cao về các sản phẩm và dịch vụ giáo dục phục vụ dân số trẻ (khoảng 40% tổng dân số ở độ tuổi dưới 24), tỷ lệ thâm nhập của điện thoại thông minh ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng (truy cập và kết nối) được cải thiện, mạng xã hội được sử dụng nhiều (hơn 35 triệu người dùng), đã góp phần vào việc áp dụng công nghệ được lan tỏa nhanh chóng.

Edtech Vietnam 2018 được tổ chức nhằm khám phá động lực và nhu cầu trong việc học và làm việc tại Việt Nam; xây dựng, kết nối một hệ sinh thái edtech chất lượng cao và có khả năng lan tỏa một nền giáo dục ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới. Tại đây, các diễn giả và đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các nội dung như: giáo dục cải cách theo từng vùng miền; vấn đề cốt lõi của nền giáo dục Việt Nam và phát triển kỹ năng từ đối tác chiến lược; Blockchain trong giáo dục; đầu tư tài chính cho việc đổi mới trong học tập; tiềm năng của sự phát triển công nghệ thông tin ảnh hưởng đến giáo dục; bồi dưỡng công nghệ thông tin cho học sinh; áp dụng chương trình học online tại Việt Nam: cơ hội và thách thức;… Bên cạnh đó còn có các gian hàng demo sản phẩm của các startup trong lĩnh vực edtech.

Các chuyên gia trong lĩnh vực edtech chia sẻ, thảo luận theo chuyên đề tại sự kiện. Ảnh: LV.

Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc SIHUB) cho biết, hàng năm, SIHUB đo lường hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của TP.HCM nói riêng và Việt Nam chung, kết quả cho thấy giáo dục vẫn là một chỉ số thấp trong các chỉ số để phát triển hệ sinh thái KNĐMST. Hiện nay, giáo dục Việt Nam đang đứng trước thách thức cả về phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình, giảng viên, giáo viên,… Cách tiếp cận giáo dục của Việt Nam đã lạc hậu, cần có sự thay đổi nội dung, triết lý, phương pháp,… Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam lại là thị trường tiềm năng cho các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.

Vì vậy, trong tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược của mình, SIHUB tập trung nhiều cho các hoạt động giáo dục. SIHUB cho rằng, cần phải trang bị một cách bài bản kiến thức về KNĐMST từ cấp phổ thông đến đại học và sau đại học cho 20 năm sau. Hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam chưa có thêm được gì nhiều trong 20 năm nữa nếu không có hệ thống giáo dục tốt. Do đó, muốn đi xa hơn phải có nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức về KNĐMST ngay từ bây giờ.

SIHUB đang xây dựng một chương trình tầm nhìn 5 năm về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Hiện đã có khoảng 20 đối tác hợp tác về giáo dục từ cấp phổ thông cho đến sau đại học như Thụy Điển, Phần Lan,… Tuy nhiên, đến thời điểm này, TP.HCM và Việt Nam vẫn chưa có khung chương trình căn bản, toàn diện về KNĐMST từ cấp phổ thông đến đại học. SIHUB mong muốn hợp tác với các công ty, tổ chức giáo dục để cùng chia sẻ, xây dựng một nền giáo dục khai phóng, đào tạo được một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.

Theo ông Mathews Nkhoma (Đại học RMIT), giáo dục Việt Nam hiện còn sử dụng sách giáo khoa và các kỳ thi khá nhiều. Đại học RMIT đã yêu cầu  sinh viên trong quá trình học tập phải gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên tìm hiểu và xây dựng mô hình nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cho doanh nghiệp các vấn đề mà họ đang gặp phải. Việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp rất quan trọng, đây là nơi để các sinh viên học tập, thực hành, hạn chế việc chỉ sử dụng tài liệu từ sách giáo khoa và tập trung cho các kỳ thi trên lý thuyết.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả