Tại buổi công bố chuỗi sự kiện tổ chức ngày 17/7, ông Vũ Anh Tuấn (Tổng Thư ký HCA) cho biết, sự kiện năm nay lớn hơn nhiều so với các năm trước cả về quy mô tổ chức lẫn số lượng các hoạt động.
Hội thảo VIO 2018 bao gồm những phiên thảo luận, báo cáo chuyên sâu về phương thức, giải pháp chuyển đổi số dành cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, thông qua từng giải pháp cụ thể ứng dụng trong vận hành, chuyển đổi số, quản lý nhân sự, số hóa tài liệu kỹ thuật,…từ đó giúp đưa chuyển đổi số vào doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Chương trình còn có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số thành công. Ngoài việc mang đến bức tranh công nghệ tổng quan về thị trường, cập nhật chính sách, công nghệ mới, các nội dung chương trình VIO năm nay còn tập trung gắn kết giữa các doanh nghiệp CNTT, khởi nghiệp, chuyên gia nghiên cứu, ứng dụng về CNTT trong cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học,… nhằm hiện thực hóa tiến trình triển khai, hợp tác.
Ông Vũ Anh Tuấn (Tổng Thư ký HCA) giới thiệu về hội thảo VIO 2018. Ảnh: LV.
Các nội dung mới, đáng chú ý của VIO 2018 là giải pháp dành cho doanh nghiệp ứng dụng CNTT với nội dung chuyên về chuyển đổi số; bàn tròn xúc tiến thương mại; Talkshow giao lưu khởi nghiệp, đề cập đến cơ hội khởi nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số;… Đặc biệt, đây là năm đầu tiên VIO tổ chức bàn tròn xúc tiến thương mại (Business Matching) để kết nối các doanh nghiệp ICT có nhiều năm hoạt động với các startup Việt, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, mở rộng và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của doanh nghiệp ICT.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 15 doanh nghiệp ICT muốn mở rộng tìm kiếm đối tác và hơn 100 startup có ý tưởng, giải pháp đăng ký kết nối. Các lĩnh vực doanh nghiệp ICT có nhu cầu tìm kiếm đối tác là thương mại điện tử, giải pháp hạ tầng trong y tế và du lịch, tích hợp hệ thống (giải pháp ngân hàng điện tử), công nghệ mã vạch (giải pháp cho ngành giao thông vận tải, cảng biển), ứng dụng di động (giải pháp cho giáo dục), IoT (quản lý sản xuất), bảo mật (quản lý chuỗi nhà hàng, khách sạn),… Với việc thiết lập bàn tròn kết nối, ban tổ chức kỳ vọng các doanh nghiệp ICT lớn, đủ uy tín và nguồn lực sẽ là bệ đỡ vững chắc, giúp các startup sớm có sản phẩm hoàn thiện tốt cung cấp ra thị trường.
Trong khuôn khổ VIO 2018 còn có khu trưng bày, giới thiệu các giải pháp và dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp khởi nghiệp; khu trải nghiệm công nghệ 4.0 với các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, robot, thiết bị bay, IoT, công nghệ in 3D,…
Giải thưởng TOP ICT Việt Nam lần thứ 20 được bổ sung các nhóm giải mới trong các lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ Cloud và doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Giải thưởng xét trên tiêu chí doanh số đạt được của các doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ dự thi. TOP ICT Việt Nam năm 2018 gồm 15 nhóm giải bắt kịp xu hướng thị trường, công nghệ trong và ngoài nước.
TS. Đoàn Xuân Huy Minh (ICST) giới thiệu về hội thảo Smart City 3600 năm 2018 tại buổi công bố sự kiện ngày 17/7. Ảnh: LV.
Về hội thảo Smart City 3600, TS. Đoàn Xuân Huy Minh (Trưởng phòng Hành chính tổng hợp ICST) cho biết, đây là nhiệm vụ do Sở KH&CN TP.HCM giao ICST thực hiện từ năm 2017 nhằm xây dựng cộng đồng, sân chơi khoa học dành riêng cho các trường, viện nghiên cứu cũng như tạo kết nối của các cơ quan quản lý, các tỉnh thành có nhu cầu xây dựng thành phố thông minh và doanh nghiệp cung cấp giải pháp.
Tham gia hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cung cấp giải pháp trong các ngành CNTT, viễn thông, hệ thống thông tin, an toàn thông tin, quản lý đô thị, quản lý nhà nước, giao thông, vận tải, môi trường, y tế,… Điểm đặc biệt của hội thảo Smart City 3600 là tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Các tham luận, trao đổi sẽ chú trọng vào loạt chủ đề như nhiên cứu, ứng dụng hệ thống - thiết bị vạn vật kết nối (IoT), hệ thống quan trắc tự động, các hệ thống tương tác trung gian, kinh nghiệm và kết quả thử nghiệm thực tế hoặc mô phỏng hệ thống trong các lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận về các nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phân tích đáp ứng đồng bộ, tối ưu hóa tương tác thời gian thực để giải quyết các vấn đề cụ thể của giao thông, y tế, môi trường. Bên cạnh đó là các vấn đề về kiến trúc phần cứng và phần mềm có liên quan đến tương tác thời gian thực như hạ tầng truyền thông, cấu trúc bộ nhớ chuyên dụng, thiết kế vi mạch tích hợp cho ứng dụng thời gian thực, phần mềm mô phỏng cho các kiến trúc và ứng dụng mới,…
Cụ thể, hội thảo Smart City 3600 năm 2018 gồm 6 nhóm chủ đề chính: môi trường thông minh, với giải pháp quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí tương tác thời gian thực; giao thông thông minh, với hệ thống giám sát điều khiển giao thông; giải pháp về IoT cho thành phố thông minh; ứng dụng công nghệ blockchain cho đô thị thông minh; ứng dụng deep learning cho nhận dạng, phát hiện đối tượng qua camera giám sát; truy xuất thông tin từ dữ liệu hình ảnh y sinh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.