SpStinet - vwpChiTiet

 

TP.HCM: hợp tác, kết nối phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tại diễn đàn “Kết nối startup Việt trong và ngoài nước” ngày 26/6, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã chia sẻ những cơ hội hợp tác để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Cùng với đó, các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp đến từ Việt Nam, Mỹ, Canada, Israel đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề liên quan đến startup, qua các chủ đề “Giai đoạn đầu của khởi nghiệp”, “Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp”, “Đưa startup Việt ra với thế giới”.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), một trong những yếu tố cốt lõi để khởi nghiệp ĐMST thành công là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối, hợp tác quốc tế, tăng cường sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST, với các cơ hội hợp tác như: hợp tác hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực cho giáo viên, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp từ phổ thông đến đại học; trao đổi chuyên gia cố vấn khởi nghiệp và startup giữa TP.HCM và các trường đại học, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp tại Mỹ,…

Bên cạnh đó là hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ, tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào các ngành/lĩnh vực theo xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0; hợp tác đầu tư xây dựng và vận hành các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế; hợp tác đầu tư góp vốn vào các dự án khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; nghiên cứu tìm kiếm những mô hình tiên tiến của trong và ngoài nước nhằm hoàn thiện môi trường chính sách hỗ trợ thương mại hóa công nghệ;… Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng lộ trình phát triển công nghệ thuộc các lĩnh vực: xây dựng đô thị thông minh, chính phủ điện tử, khoa học dữ liệu lớn; trao đổi, chuyển giao chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình tổ chức sản xuất/kinh doanh sáng tạo/tái khởi nghiệp, cơ chế tài chính hỗ trợ dự án khởi nghiệp ĐMST theo hình thức công tư hợp tác,…

Ông Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) trình bày về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của TP.HCM. Ảnh: KT.

Về các chủ đề “Giai đoạn đầu của khởi nghiệp”, “Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp”, “Đưa startup Việt ra với thế giới”, các diễn giả đã chia sẻ xoay quanh các nội dung lựa chọn công nghệ và hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp, nghiên cứu thị trường, hình thành sản phẩm; các vấn đề về vốn, quản trị doanh nghiệp, bản quyền và bảo vệ bản quyền tác giả, thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn và phát triển sản phẩm ở nước ngoài, tham gia các chương trình/vườn ươm khởi nghiệp ở nước ngoài, xây dựng mạng lưới kết nối, hợp tác với các đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới phân phối, tăng doanh thu, quản trị dòng tiền và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo bà Thạch Lê Anh (Đồng sáng lập Vietnam Startup Foundation và Vietnam Silicon Valley Accelerator), các doanh nghiệp khởi nghiệp nên chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác và xác định rõ mục tiêu của mình, đồng thời định vị được giá trị của ý tưởng để thuyết phục các nhà đầu tư.

Đại diện doanh nghiệp trao đổi với các diễn giả tại phiên tọa đàm của diễn đàn. Ảnh: KT.

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Rynan Holdings JSC, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài), khởi nghiệp là một hành trình bắt đầu từ sự hình thành, thành lập và phát triển một doanh nghiệp dựa trên cách làm khác để tạo ra sản phẩm mới hoặc tốt hơn nhằm giải quyết một vấn đề thật hoặc nhu cầu của cộng đồng, với một mô hình kinh doanh có thể mở rộng nhanh chóng. Nước ta hiện nay đang thiếu những môi trường cho sáng tạo và trách nhiệm của những người khởi nghiệp là tạo ra một môi trường mà ở đó người Việt Nam có thể tự do sáng tạo và cống hiến hết mình cho đất nước. Ví dụ, theo ông Mỹ, hiện nay có những hãng xe vận chuyển lớn nhất thế giới mà không sở hữu một chiếc xe nào (Uber), có những công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới mà không làm chủ bất kỳ kho hàng nào (Amazon),… Điều này cho thấy, thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải thay đổi nhanh chóng và có sự đột phá, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Các diễn giả tham gia phiên tọa đàm chuyên đề "Đưa startup Việt ra thế giới". Ảnh: KT.

Chia sẻ kinh nghiệm về startup Việt trong thời đại công nghệ 4.0, ông Nguyễn Francis Tuấn Anh (chuyên gia cao cấp phụ trách Đối tác Phát triển Phần mềm khu vực Đông Nam Á, Microsoft Việt Nam) cho rằng, 3 cuộc cách mạng khoa học trước đây đã tạo ra nhiều thuận lợi cũng như thách thức cho con người và cuộc cách mạng 4.0 cũng không ngoại lệ. Dựa trên nền tảng dữ liệu khổng lồ mà con người đang có nhưng chưa được sử dụng một cách tối ưu, cuộc cách mạng này chỉ có thể xảy ra nếu ta khai thác và tối ưu hóa được tất cả các nguồn dữ liệu mà chúng ta đang có để ứng dụng vào trong cuộc sống. Theo ông Tuấn Anh, cách mạng công nghệ 4.0 tập trung vào 4 nguyên tắc: thứ nhất, làm thế nào để kết nối giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ một cách tốt đẹp hơn; thứ hai, nâng cao tay nghề của những người cung cấp dịch vụ; thứ ba là tăng hiệu quả của quy trình vận hành doanh nghiệp; và thứ tư là đưa ra sản phẩm mới. Và đây cũng chính là các nguyên tắc hiện nay Microsoft đang áp dụng, không những cho chính mình, mà còn cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công khác.

Diễn đàn sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 27/6 với phần trình bày ý tưởng của các dự án startup và sau đó các chuyên gia sẽ trực tiếp góp ý, tư vấn về định hướng phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư,… Các dự án startup sẽ trình bày bao gồm: Ami, Bột rau má sấy lạnh Quảng Thanh, EyeQ Tech, Ekid Studio, Cyfeer, Hand Free, Sejong Vietnam JSC, FinFT.com,…   

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả