SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp sáng tạo để nâng giá trị nông sản Việt

Chợ phiên khởi nghiệp với hơn 100 đơn vị gồm các doanh nghiệp, startup, trường, viện, các tổ chức khoa học và công nghệ tham gia giới thiệu và bày bán sản phẩm; hội thảo với chủ đề “Đi tìm ưu thế cạnh tranh của nông sản Việt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”; phiên đấu xảo với 30 sản phẩm được giới thiệu nhằm tìm kiếm hợp tác và kêu gọi đầu tư là những hoạt động của chuỗi sự kiện Chợ phiên khởi nghiệp lần 1 năm 2018 diễn ra xuyên suốt buổi chiều và tối 22/9 do Saigon Innovation Hub – SIHUB (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức.

Hội thảo “Đi tìm ưu thế cạnh tranh của nông sản Việt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” có sự tham gia của các diễn giả: bà Vũ Thị Hiếu Đông (Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng); ông Bùi Huy Bình (CEO TRACEVerified, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hỗ trợ khởi nghiệp Saigon Times); ông Đinh Hoàng Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam – ICM); bà Phạm Phương Thảo (Giám đốc Organica); ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc SIHUB); ông Phạm Minh Quang (Phó Giám đốc dự án Mekong Business Initiative - MBI).

Từ câu chuyện về gạo ST (sản phẩm của Công ty Hồ Quang tại Sóc Trăng), loại gạo dẻo thơm đang được thị trường ưa chuộng, thường xuyên trong tình trạng cung không đủ cầu, đang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của tỉnh Sóc Trăng, cho thấy, đây là một ví dụ điển hình cho xu hướng nông nghiệp hiện nay là giữ chất lượng, thay vì chạy theo số lượng, các chuyên gia – diễn giả đã chia sẻ việc làm thế nào để xây dựng thương hiệu, tăng giá trị nông sản Việt, đi ra thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các diễn giả, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp nhưng ưu thế cạnh tranh vẫn còn kém so với Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar, hay Campuchia. Cách thức làm nông nghiệp của Việt Nam hiện còn theo truyền thống với hình thức sản xuất hàng loạt, nông dân còn chú trọng số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng nông sản làm ra. Ví dụ về lúa gạo, Campuchia và các nước khác chỉ làm 1 vụ/năm, lúa Việt Nam mỗi năm 2-3 vụ với năng suất hơn gấp nhiều lần. Về thương hiệu, khi nhắc đến gạo thơm, người tiêu dùng nước ngoài chỉ biết đến các thương hiệu của Thái Lan, Myanmar, Campuchia, còn hàng Việt khá mờ nhạt, dù Việt Nam là vựa lúa lớn của thế giới.

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: LV.

Do vậy, cần đầu tư ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp, tập trung xây dựng sản phẩm chủ lực, làm tốt marketing thị trường và khởi nghiệp sáng tạo để nâng giá trị nông sản Việt. Việc ứng dụng KH&CN kết hợp với làm thị trường để làm sản phẩm chất lượng, làm theo đơn đặt hàng sẽ tránh được tình trạng làm ra nhiều rồi nhiều lần phải “giải cứu nông sản”; đồng thời có sự vào cuộc của doanh nghiệp lớn, hợp tác của khu vực công và khu vực tư để xây dựng thương hiệu lớn, thương hiệu quốc gia, đủ sức ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, yếu tố chỉ dẫn địa lý sẽ khiến nông sản được gia tăng thêm nhiều giá trị. Các nước như Thái Lan, Nhật Bản đã sử dụng chỉ dẫn địa lý rất tốt lên sản phẩm của mình để thông tin nông sản thêm đầy đủ và phong phú về các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, văn hóa,…

Theo ông Huỳnh Kim Tước, nông nghiệp Việt Nam không phải không có sản phẩm thế mạnh, ngược lại người nông dân sản xuất rất giỏi. Tuy nhiên, thực tế năng lực “buôn bán” còn kém, các nhà đầu tư lại thường có rất ít thông tin về nông nghiệp. Do vậy, khởi nghiệp nông nghiệp cần có sự sáng tạo. Muốn nông sản có ưu thế cạnh tranh, phải dựa trên một chuỗi xuyên suốt, với nền tảng là sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ, tận dụng lợi thế về chỉ dẫn địa lý và mô hình kinh doanh hiện đại. Cạnh tranh trước hết phải giữ được thị phần nội địa trước sức ép của các sản phẩm nước ngoài, không để “thua trên sân nhà”. Mô hình kinh doanh hiện đại phải kết nối, gắn kết giữa người bán sản phẩm và người sản xuất nông nghiệp chứ không phải tình trạng “ép giá nhau” như thường thấy; đồng thời, ứng dụng công nghệ sẽ kết nối các khâu trong sản xuất và cung ứng, giúp quá trình này minh bạch và hiệu quả hơn, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Một gian hàng trưng bày và bán sản phẩm tại chợ phiên khởi nghiệp. Ảnh: LV.

Chợ phiên khởi nghiệp lần 1 với nhiều sản phẩm sạch, độc, lạ, khai thác giá trị và nâng tầm nông sản Việt đã thu hút gần 2000 lượt người tham dự. Các sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm có nguồn gốc sinh học, thảo mộc từ thiên nhiên mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe con người vẫn là nhóm thu hút sự chú ý tại chợ phiên lần này. Điển hình như sản phẩm tiêu không hạt Bầu Mây. Đây là sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo độc đáo, không chỉ là một loại gia vị thông thường mà còn được ví như một “tủ thuốc di động” của mọi nhà. Khi ngậm 1 hạt tiêu (tự động tan trong miệng như kẹo) sẽ giúp tỉnh táo, tinh thần sảng khoái, chống say xe, buồn nôn, hoặc khi đi du lịch ăn thức ăn không phù hợp bị đầy hơi, không tiêu, đau bụng, chỉ cần ngậm 3 hạt tiêu không hạt sẽ có hiệu quả tức thì. Ngoài ra còn có các sản phẩm được chú ý như tinh dầu xua muỗi Odora; nước uống đông trùng hạ thảo Hector collagen, nước uống đông trùng hạ thảo Hector sâm; các sản phẩm nấm linh chi, gạo hữu cơ đặc sản; tinh dầu thảo dược, dầu gội, sữa tắm thảo dược; thức uống chăm sóc sức khỏe từ đậu đen rang Mộc Thanh Trà; sữa chua tổ yến;… Bên cạnh các gian hàng riêng lẻ giới thiệu sản phẩm, điểm khác biệt của chợ phiên là các gian hàng được bố trí theo nhóm với tên gọi nhận diện như Làng công nghệ Hàn Quốc (các sản phẩm của doanh nghiệp Hàn Quốc), Làng giáo dục sáng tạo, Làng sản phẩm khởi nghiệp vùng Mekong (các sản phẩm từ Đồng bằng sông Cửu Long), Làng sản phẩm thương mại hóa từ các trường đại học,…

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại phiên đấu xảo. Ảnh: LV.

Phiên đấu xảo được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng và nhà đầu tư, từ đó xúc tiến việc mua bán, tìm kiếm hợp tác và kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm. Tại phiên đấu xảo, 30 sản phẩm đã được chọn giới thiệu trước hội đồng bình chọn là những nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp lớn. Các tiêu chí bình chọn dựa trên đánh giá về hiệu quả kinh doanh, công nghệ của sản phẩm, giá trị kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Kết quả, có 3 sản phẩm là tinh dầu xua muỗi Odora (Công ty TNHH tinh dầu Điền Trúc), máy sấy nông sản thực phẩm bằng năng lượng mặt trời (Công ty Cổ phần Công nghệ năng lượng bền vững Việt Nam – Setech), thang dây thoát hiểm chống cháy (Công ty TNHH Toàn Gia) đã được bình chọn cao nhất và nhận được giải thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu đồng/giải cùng nhiều phần quà khác từ ban tổ chức.

Chuỗi sự kiện chợ phiên khởi nghiệp là hoạt động kết nối cộng đồng, có sự tham gia đồng hành của các tên tuổi lớn trong mảng khởi nghiệp như ADB, MBI, BSA, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, CLB Hỗ trợ khởi nghiệp Saigon Times, Vườn ươm Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao, Hội Tin học TP.HCM, Vườn ươm Doanh nghiệp phần mềm Quang Trung,… Dự kiến chợ phiên sẽ được tổ chức định kỳ mỗi 3 tháng tại SIHUB.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả