Đó là các tham luận về "Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí" (GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Viện trưởng ICST); "Công nghệ và giải pháp quan trắc điều khiển giao thông đô thị thông minh đã triển khai tại một số thành phố Việt Nam" (PGS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); "Giải pháp IoT cho thành phố thông minh" (Ngô Văn Toàn, Phó TGĐ Global CyberSoft Việt Nam); "Ứng dụng công nghệ blockchain trong đô thị thông minh" (TS.Dương Minh Đức, Phó Trưởng khoa Hệ thống thông tin, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM); "Truy xuất thông tin từ dữ liệu hình ảnh y sinh" (TS.BS Đoàn Xuân Quang Minh, Broad Institute of MIT & Harvard, Hoa Kỳ); "Video Analytics & Management with HPE Edegiline" (Đoàn Chí Hiếu, HPE Việt Nam).
Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí là nội dung chính trong đề tài nghiên cứu ứng dụng “Xây dựng hệ thống dự báo không khí vùng TP.HCM” với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TP.HCM và một số vùng lân cận. Đề tài do ICST chủ trì thực hiện.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng ICST), một trong những diễn giả chính tại hội thảo.
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (chủ nhiệm đề tài) cho biết, quá trình mô phỏng và tính toán dựa trên dữ liệu phát thải từ các nguồn giao thông và công nghiệp, đây là 2 nguồn chính đóng góp tải lượng phát thải nhiều nhất vào không khí TP.HCM. Mô hình dự báo được xây dựng tổng hợp từ các số liệu khảo sát môi trường trong 15 khu công nghiệp nằm trên địa bàn thành phố, kết hợp các báo cáo giám sát môi trường thuộc quản lý của Ban quản lý các Khu chế xuất – Khu công nghiệp (HEPZA) và Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM. Số liệu khí tượng được thu thập tại các trạm ở TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai). Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát triển một mô hình tính toán về khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông, kết hợp giải thuật nhận dạng và đếm lượng xe trích xuất từ hình ảnh từ camera giao thông tại một số điểm.
Đề tài đã xây dựng được quy trình dự báo chất lượng không khí phù hợp với khu vực TP.HCM. Việc áp dụng dữ liệu camera trong hệ thống giám sát camera giao thông của thành phố là phương pháp mới phù hợp với mục tiêu xây dựng bộ dữ liệu giao thông chi tiết và có mức độ phân bố rộng hơn so với các phương pháp truyền thống ngoài thực địa, giúp tiết kiệm về mặt chi phí, nhân lực và thời gian. Ngoài ra, việc áp dụng kết quả dự báo chất lượng không khí toàn cầu vào việc tính toán dự báo địa phương là một yếu tố quan trọng đảm bảo tính đúng đắn trong bài toán mô phỏng chất lượng không khí địa phương khi chịu ảnh hưởng của các khu vục lân cận và xa hơn nữa là vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới.
Smart City 360 độ thu hút sự tham gia, trao đổi đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp. Ảnh: LV.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, xây dựng thành phố thông minh là xu hướng được rất nhiều đô thị trên thế giới đang áp dụng để giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, y tế, môi trường,… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Về giao thông thông minh, Trung tâm Tin học và Tính toán đã triển khai thành công một số hệ thống như hệ thống giám sát điều khiển giao thông TP. Hà Nội, hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông TP. Đà Nẵng. Các hệ thống này cho thấy hiệu quả trong giám sát giao thông, phát hiện tai nạn, cướp giật, an ninh an toàn đô thị, góp phần thay đổi trật tự an toàn giao thông đô thị.
Về “Giải pháp IoT cho thành phố thông minh”, ông Ngô Văn Toàn giới thiệu những giải pháp của Global CyberSoft có năng lực triển khai chuyên sâu, đặc biệt là những giải pháp đã được kiểm nghiệm thành công qua thực tế triển khai như: giao thông thông minh SmartTraffic, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao SmartAgri, giải pháp an ninh công cộng Public Satefy, bộ giải pháp bán lẻ FlexBA.
SmartTraffic giúp cải thiện tình hình giao thông thông qua việc hỗ trợ cơ quan quản lý giao thông trong việc giám sát, cảnh báo sớm các nguy cơ về giao thông như tai nạn, vi phạm giao thông nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn của người dân.
SmartAgri ứng dụng công nghệ IoT, bao gồm phần mềm và phần cứng cung cấp gói giải pháp cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong các nhà kính và trên các cánh đồng rộng lớn. Hệ thống thu thập và xữ lý dữ liệu thời gian thực thu thập từ các cảm biến, thiết bị; hỗ trợ quan sát toàn bộ quá trình sản xuất từ xa thông qua video trực tuyến, tự động hóa việc lập báo biểu, chạy các quy trình nông nghiệp tự động như bón phân, tưới nước, hỗ trợ kiểm soát và điều chính các yếu tố môi trường.
Public Satefy hỗ trợ đảm bảo an ninh và an toàn cho các sự kiện, trung tâm thành phố, hoặc nơi có sự tập trung đông người. Hệ thống thu thập dữ liệu thời gian thực từ camera, các cảm biến kết hợp với báo cáo từ bộ phận an ninh để đưa ra cảnh báo sớm các tinh huống nguy hiểm như sự xuất hiện của tội phạm, cháy nổ, tắc nghẽn.
FlexBA cung cấp nền tảng cho các trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ không chỉ trong việc quản lý, vận hành mà còn cung cấp các giải pháp thông minh cho việc dự đoán luồng khách hàng sắp tới, theo từng địa điểm cụ thể, để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Đây là những giải pháp điển hình, phù hợp với đặc thù của việc ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh, đều có thể triển khai ứng dụng ở TP.HCM.
Smart City 3600 là hoạt động trao đổi học thuật thường niên do Sở KH&CN TP.HCM chủ trì thực hiện, hướng đến việc giới thiệu, trao đổi các giải pháp hệ thống thông tin thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tương tác thời gian thực và ứng dụng của các hệ thống này trong các hoạt động triển khai xây dựng một đô thị thông minh, đô thị hiện đại lấy người dân làm “trung tâm của sự phục vụ”. Năm 2017, Smart City 3600 với chủ đề “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh” đã cung cấp cái nhìn tổng quát về các giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh.