Phát biểu tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc triển khai công tác năm 2021, định hướng công tác những năm tiếp theo (diễn ra vào ngày 9/4/2021), Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị các Sở KH&CN cần hết sức chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu, xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KH&CN để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, bảo đảm phù hợp bối cảnh và điều kiện của địa phương và đề xuất các giải pháp triển khai khả thi, vững mạnh, có tính đột phá nhằm phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Từ năm 2016, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp với mục tiêu góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020; quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST…
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), ở giai đoạn đầu của các doanh nghiệp khởi nghiêp sáng tạo (phát triển ý tưởng thành sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo, thử nghiệm sự phù hợp của sản phẩm với thị trường…) gần như không có nguồn lực tư nhân nào tham gia, đây cũng là giai đoạn thất bại nhiều nhất của các doanh nghiệp này, do đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chính thông qua các tổ chức hỗ trợ và ươm tạo.
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng trao đổi cùng đại diện Viện - trường về việc hợp tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp (tháng 12/2020).
Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 được triển khai nhằm xây dựng nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố, góp phần nâng cao tỉ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP hàng năm từ 40% trở lên.
Đề án này tập trung vào 2 nhóm đối tượng: doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup). Trong đó, Sở KH&CN TP.HCM sẽ tái cấu trúc các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch công nghệ hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ĐMST, đồng thời phát triển hệ thống thu thập và cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu phát triển và ĐMST. Sở cũng tiếp tục xây dựng đội ngũ quản trị viên tài sản trí tuệ, hình thành không gian hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm khởi nghiệp ĐMST, tăng cường thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công.
Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), với quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp SME có thể biến một ý tưởng thành cơ hội kinh doanh, tạo ra giá trị, tạo việc làm và làm phong phú thêm sự lựa chọn các sản phẩm có sẵn cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp SME chiếm số lượng đến 90% trong nền kinh tế thế giới, tạo việc làm cho khoảng 50% lực lượng lao động toàn cầu, tạo ra tới 40% thu nhập quốc dân ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Chính nhờ ý tưởng tốt được chuyển thành tài sản sở hữu trí tuệ, một số doanh nghiệp SME đã vươn mình trở thành các tập đoàn hàng đầu của thế giới.
CESTI (thuộc Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng để các bên cung - cầu cùng trao đổi, giải đáp thắc mắc về công nghệ, ký kết phương án hợp tác trong giai đoạn tiếp theo (tháng 12/2020).
Cụ thể, đối với nhóm đối tượng SME, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức các chương trình huấn luyện về năng suất, chất lượng phục vụ cải tiến và đổi mới mô hình quản lý sản xuất, kinh doanh; tư vấn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, đo lường. Sở cũng sẽ phát triển hệ thống huấn luyện trực tuyến về năng suất, chất lượng, ĐMST và quản trị tài sản trí tuệ, thúc đẩy doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp thực hiện ĐMST để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Đối với nhóm đối tượng startup, Sở KH&CN TP.HCM tiếp tục hỗ trợ hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm khởi nghiệp ĐMST có mối liên kết mật thiết với Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (123 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, Quận 3). Đó chính là điều kiện để kiến tạo môi trường và kết nối hợp tác cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước, mở ra cơ hội hợp tác với cộng đồng khởi nghiệp ĐMST trong và ngoài nước. Từ đây, Thành phố có cơ sở để xây dựng các mô hình tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST theo tiêu chuẩn quốc tế.
Startup triển lãm giải pháp công nghệ mới tại Ngày hội khởi nghiệp ĐMST Techfest Đông Nam Bộ 2020.
Từ tháng 3/2021, Sở KH&CN TP.HCM bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký các dự án hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM năm 2021. Theo thông báo, Sở sẽ ưu tiên hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong 4 nhóm ngành công nghiệp (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm), các công nghệ và các sản phẩm ĐMST có lợi thế cạnh tranh hoặc có tiềm năng phát triển của Thành phố như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (edtech), khởi nghiệp xã hội, công nghệ in 3D, Robotics, nông nghiệp thông minh, du lịch…
Hoàng Kim (CESTI)