Hội thảo lần này thu hút nhiều khách mời là các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và các giảng viên có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Cụ thể, bà Phạm Thị Hồng Vân (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Linh Biotech, một doanh nghiệp KH&CN của TP.HCM) chia sẻ hoạt động khởi nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và cơ hội thực tập cho sinh viên. Theo đó, các bạn trẻ khởi nghiệp bằng KH&CN cần có vốn để đầu tư công nghệ, tri thức và ý tưởng. Về ứng dụng công nghệ, người khởi nghiệp nên tìm hiểu kỹ, tìm đến các doanh nghiệp đã thành công để học hỏi, tránh vội vàng dẫn đến phải “trả giá” vì công nghệ. Hiện nay Hoàng Linh Biotech sẵn sàng nhận sinh viên từ các trường đến thực tập nhằm tạo cơ hội việc làm, thực tập học tập, tạo môi trường thúc đẩy phát triển ý tưởng khởi nghiệp, đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ về hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm cho các nhóm/dự án đã có ý tưởng khởi nghiệp, bà Vân chia sẻ.
Bà Phạm Thị Hồng Vân chia sẻ về con đường phát triển sản phẩm của Hoàng Linh Bitotech bằng ứng dụng KH&CN. Ảnh: LV.
TS. Lưu Xuân Cường (giảng viên ngành Hóa Thực phẩm) chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp công nghệ tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng như giới thiệu các cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường giữa sinh viên và giảng viên nhằm nâng cao chất lượng cho các dự án nghiên cứu, tạo ra sức hấp dẫn thật sự để có thể thương mại hóa thành công trên thị trường. Ông Vũ Tuấn Anh (Vietnam Business Matching) giới thiệu về Lean LaunchPad – khóa học đào tạo về tech startup tại Mỹ nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm thông tin và kiến thức để tự mình nâng cao năng lực và tự tìm cho mình các cơ hội trong tương lai.
Ngoài ra, tại hội thảo, ông Phan Phúc Trường (nhà sáng lập chuỗi Nhà hàng Âu Oh Vang) cũng giới thiệu khung năng lực Startup Founder cho giới trẻ khởi nghiệp; đại diện Công ty AoTa chia sẻ về khởi nghiệp công nghệ – từ lý thuyết đến thực tiễn. Theo đó, startup muốn ra được sản phẩm công nghệ, cần quan tâm các yếu tố: sửa sản phẩm lỗi, làm tốt hơn cái đang có, tạo ra cái chưa có. Hiện nay các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học, nghiên cứu R&D để cho ra các sản phẩm xoay quanh các yếu tố này. Bên cạnh đó, người khởi nghiệp cần có kiến thức, kinh nghiệm, đam mê, niềm tin, kế hoạch chiến lược cho sản phẩm và vận hành được một ekip (làm việc có cộng sự). Theo các chuyên gia, các bạn trẻ nên đi làm thuê trước khi thực sự khởi nghiệp; biết lắng nghe những khen chê, để từ đó chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho hành trình của mình.
Đại diện AoTa chia sẻ về phát triển sản phẩm startup công nghệ. Ảnh: LV.
Tại hội thảo, ông Chu Bá Long (Phó trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ, Sở KH&CN TP.HCM) giới thiệu nhiều hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, hỗ trợ của thành phố sẽ thông qua các vườn ươm trên địa bàn TP.HCM. Các dự án, nhóm khởi nghiệp có thể đăng ký tại các vườn ươm phù hợp với lĩnh vực của mình để nhận được các hỗ trợ cụ thể như kinh phí cho nghiên cứu phát triển sản phẩm, hỗ trợ về đào tạo (quản trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, quảng bá phát triển doanh nghiệp,…). Mức hỗ trợ tối đa lên đến 2 tỷ đồng/dự án, trong đó khuyến khích các dự án có đồng đầu tư (doanh nghiệp – nhà nước cùng đầu tư). Sau khi được hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, Sở KH&CN cũng có các chương trình hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Ngoài ra, nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối đã và đang diễn ra tại Saigon Innovation Hub – SIHUB cũng thể hiện những nỗ lực của TP.HCM trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đi đầu cả nước.