Các chuyên đề được trình bày tại hội thảo gồm:
+ Tổng quan, vai trò và một số quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp (ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng phía Nam – Cục SHTT);
+ Vai trò và một số quy định về bảo hộ quyền giống cây trồng cho các sản phẩm nông nghiệp (ông Lê Thanh Tùng, Trưởng đại diện Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
+ Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để thúc đẩy việc bảo hộ, khai thác quyền SHTT cho các sản phẩm nông nghiệp – góc nhìn chuyên gia (ông Đào Minh Đức, Viện trưởng Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức);
+ Kinh nghiệm và mô hình về xây dựng, bảo hộ và phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước (ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh);
+ Xây dựng mối liên hệ gắn kết 4 nhà “nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học – nhà quản lý” trong bảo hộ và phát triển thương hiệu cho nông sản Việt (GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ).
Ông Trần Giang Khuê trình bày tại hội thảo. Ảnh: LV.
Theo ông Trần Giang Khuê, thương hiệu là tập hợp các dấu hiệu, các liên tưởng định vị trong tâm trí của con người về giá trị khác biệt của sản phẩm dịch vụ, của doanh nghiệp, của tổ chức, của địa phương hay một quốc gia. Nhiều ví dụ về cách xây dựng thương hiệu nông sản Việt (dâu Đà Lạt, gạo Sóc Trăng, bưởi da xanh,…) cho thấy, thương hiệu phải được xây dựng dựa trên nhu cầu thị trường – người tiêu dùng, tạo được giá trị khác biệt và uy tín, vị thế cho địa phương, quốc gia. Hiện nay xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ đáp ứng nhu cầu “ăn ngon” mà phải sạch, đẹp, an toàn, thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe con người. Muốn vậy, nhà khoa học, doanh nghiệp phải bắt tay với nông dân để xây dựng chuỗi giá trị dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo ra các quy trình giải pháp sản xuất sản phẩm sạch, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm. Kéo theo đó việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT với các giải pháp, sáng chế ngày càng trở nên cần thiết.
Về thương hiệu gạo Việt Nam, hiện được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại nhằm quảng bá, quản lý và bảo vệ SHTT tại các nước nhập khẩu. Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định thương hiệu gạo Việt Nam được xây dựng gồm nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm gạo của vùng, địa phương; nhãn hiệu cho sản phẩm gạo của doanh nghiệp.
Như vậy, gốc rễ của phát triển thương hiệu là chất lượng sản phẩm dịch vụ và uy tín doanh nghiệp. Một sản phẩm ra thị trường trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay cần hội đủ các điều kiện về giá trị nội dung, hình thức và được đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Do đó, cần có kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; có bộ phận, nhân lực chuyên trách quản lý hoạt động SHTT; bền bỉ và lâu dài trong quảng bá, truyền thông, xây dựng và phát triển thương hiệu; đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ ở trong nước và quốc tế, tận dụng các lợi thế từ tài sản trí tuệ để tạo sự phát triển đột phá và bền vững.
Các diễn giả trao đổi, thảo luận về giải pháp xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu cho nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: LV.
GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu mạnh, ngay cả những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn cũng chưa xây dựng được thương hiệu nổi tiếng so với Thái Lan hoặc Campuchia. Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, một doanh nghiệp, hay một địa phương, quốc gia cần tìm cách làm cho gạo của mình nổi bật để cạnh tranh và đạt mục tiêu kinh doanh: ngon, thơm, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, để xây dựng thương hiệu gạo Việt, cần xác định được doanh nghiệp có thật tâm với lúa gạo; phân tích cạnh tranh – xác định đối thủ, vị trí so với đối thủ; cải tiến chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn thị trường; tổ chức huấn luyện kỹ thuật GAP sản xuất giống đã chọn; đăng ký tên thương hiệu và khẩu hiểu chiến lược; marketing/xúc tiến thương mại.
Về giống, Việt Nam đã có những giống tốt (như gạo thơm Sóc Trăng), nên cần làm ngay việc xây dựng thương hiệu mạnh lúa thơm Việt Nam dựa trên các nghiên cứu cải tiến, sản xuất giống mới, khác biệt với đặc điểm lợi thế là ngắn ngày. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần xác định được thị trường của mình và đầu tư phát triển giống, liên kết với các vùng sản xuất mạnh; nhà nước có vai trò tạo điều kiện cho các giống mới phát triển nhanh, rộng. Nói cách khác, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt, cần phát triển giống tốt, đầu tư quy trình sản xuất tốt, xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp – nhà nước – nhà khoa học – nhà nông vì lợi ích chung là tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.