SpStinet - vwpChiTiet

 

Hợp tác chuyển giao công nghệ bảo quản xoài tươi phục vụ xuất khẩu

Bảo quản xoài tươi giữ nguyên được hương vị khi đến tay người tiêu dùng là mấu chốt để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu xoài vào những thị trường khó tính, như châu Âu và Mỹ. Qua "mai mối" của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI), các bên cung ứng công nghệ đã bắt tay với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây để giải quyết bài toán này của thực tiễn.

Doanh nghiệp mô tả yêu cầu để xoài có thể tiếp cận các thị trường khó tính. Ảnh: H.Hân

Từ những nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp tham dự sự kiện Kết nối ý tưởng lần 3 “Công nghệ bảo quản trái xoài”, do CESTI tổ chức (tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM-79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM), vào sáng 14/12 vừa qua, các nhà cung ứng công nghệ đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn cho doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Quốc Bảo (Giám đốc Công ty CP Quốc tế Sao Nam - Sancopack), nguyên nhân gây ra tổn thất cho xoài xảy ra ở rất nhiều khâu, từ quá trình thu hoạch, vận chuyển cho đến bảo quản thành phẩm: thu hái không đúng thời điểm, không đúng cách, phương pháp vận chuyển từ khâu thu hái đén khâu sơ chế không đúng phương tiện gây bầm dập, lây nhiễm chéo trước sơ chế, phương tiện vận chuyển không phù hợp; nhiệt độ, độ ẩm không phù hợp cũng khiến xoài không ngủ sâu, khi xuất đi lượng hao hụt rất cao, bao bì chưa đạt chuẩn cũng làm tăng hao hụt. Do vậy, Sao Nam đã giới thiệu quy trình toàn diện, từ khâu thu hái; xử lý mủ, diệt côn trùng; sơ chế xử lý nấm, vi sinh; xử lý ethylene; đóng gói; bảo quản lạnh và làm chín lại khi đến nơi nhập.

Ông Phạm Quốc Bảo giới thiệu giải pháp "khóa ethylene" bằng AnsiP (1-MCP) trong quy trình xử lý của Sao Nam. Ảnh: H.Hân

Ông Bùi Tiến Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Tứ Hợp) đầy tâm huyết với hệ thống kho thông minh, ứng dụng công nghệ CASS để bảo quản trái cây bằng cách điều chỉnh khí bảo quản: "rút ôxy trong không khí để giảm quá trình hô hấp của trái cây, đưa trái cây vào trạng thái ngủ sâu, không dùng hóa chất". Theo ông, hệ thống sử dụng các thiết bị tự động để xử lý ethylene, xử lý nấm mốc, làm sạch môi trường bảo quản; ứng dụng robot quản lý tự động, cho phép khách hàng có thể quản lý từ xa hàng hóa đang gửi giữ trong kho,..

Ông Bùi Tiến Dũng giới thiệu chi tiết về giải pháp kho thông minh CASS. Ảnh: H.Hân

Phối hợp túi ức chế ethylene kết hợp màng MAP, ông Bùi Nguyễn Bảo Duy (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Hữu Tâm) giới thiệu quy trình xử lý bảo quản xoài của Hữu Tâm, từ khâu bảo quản bằng màng sinh học, ủ chín; bọc túi MAP và đóng thùng, sử dụng túi hút ethylene; bảo quản lạnh, có hút ethylene. Theo ông, hệ thống thiết bị cho chi phí xử lý rất cạnh tranh, các doanh nghiệp lớn sử dụng rất hiệu quả. Sản phẩm ứng dụng công nghệ của Hữu Tâm đã được xuất đi Mỹ, Hàn Quốc, Trung Đông,...

Chi phí xử lý xoài bằng giải pháp của Hữu Tâm, chỉ khoảng 660 đồng/kg (kể cả khấu hao máy), theo ông Bùi Nguyễn Bảo Duy, Giám đốc doanh nghiệp này. Ảnh: H.Hân

Thông tin chi tiết về công nghệ được các nhà cung ứng chia sẻ rất thẳng thắn với doanh nghiệp tại sự kiện. Không những vậy, các chuyên gia, đơn vị tư vấn, nhà cung ứng công nghệ và doanh nghiệp còn có nhiều trao đổi xoay quanh các giải pháp giúp gia tăng thời gian bảo quản trái cây tươi, như sử dụng các chế phẩm sinh học, ức chế ethylene, nước rửa diệt khuẩn trái cây,…

Chủ đề nóng, bám sát thực tiễn nên rất thu hút nhiều khách quan tâm, dù đang vào cao điểm cuối năm. Ảnh: H.Hân

Sự kiện tuy khép lại vào trưa cùng ngày, nhưng nhiều hợp tác mới đã mở ra cho các bên, với nhiều bản ghi nhớ được ký kết giữa các đơn vị cung ứng và doanh nghiệp có nhu cầu, trên cơ sở những trao đổi, thảo luận chi tiết ngay tại sự kiện.

Ký kết ghi nhớ hợp tác chuyển giao công nghệ bảo quản xoài giữa các bên tại sự kiện. Ảnh: H.Hân

“Kết nối ý tưởng là hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà cung ứng công nghệ, xuất phát từ việc tìm kiếm các công nghệ cụ thể của doanh nghiệp. Kết nối ý tưởng “Công nghệ bảo quản trái xoài” xuất phát từ nhu cầu của hai doanh nghiệp tại Tây Ninh và TP.HCM, với các yêu cầu khác nhau về công nghệ. Với vai trò là một tổ chức trung gian, cầu nối giữa các bên cung –cầu, hỗ trợ cho công tác chuyển giao công nghệ, CESTI sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ cùng các đơn vị để có thể đi đến kết quả cuối cùng trong quá trình ứng dụng công nghệ”, bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) chia sẻ.

Tuấn Kiệt (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả